Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đã chia sẻ với VnExpress về những mục tiêu kinh tế được đặt ra trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII.
- Ông đánh giá thế nào về những mục tiêu kinh tế được đặt ra trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này?
- Trong chiến lược phát triển được đưa ra, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hai mốc 2030 và 2045 được xem là quan trọng bởi nó lần lượt đánh dấu 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày lập quốc.
Về tổng thể, so với những lần khác, mục tiêu lần này đã bộc lộ rõ tham vọng của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn còn hai vấn đề cần bàn.
Thứ nhất, các chi tiết chưa làm rõ được mục tiêu đề ra, vì cơ bản, các chỉ tiêu cụ thể không khác gì các năm trước. Tôi thấy vẫn là các con số kinh tế, môi trường, xã hội được từng này, từng kia, chứ chưa có yếu tố thể hiện được tính động của sự phát triển xã hội. Ví dụ, nói đến nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu, vậy phải có những chỉ tiêu thể hiện hiệu quả của nền kinh tế, thể hiện tính công bằng, xã hội, sự phát triển của người dân...
Những thứ cần như vậy thì chúng ta đang thiếu, trong khi đó, lại có những tiêu chí thậm chí có phần vô nghĩa như tỷ lệ che phủ rừng phải đạt bao nhiêu phần trăm. Điều này không gắn với môi trường sống khi cái chúng ta phải tính toán, đo đạc nên là không khí, nước sạch...Hay chỉ tiêu tăng số lượng giường bệnh lên, nó cũng không thể hiện được chất lượng của dịch vụ y tế... Mục tiêu thực ra phải mang tính định hướng, tạo động lực để thúc đẩy sự thay đổi, hành động của đất nước.
Thứ hai, tôi cho rằng các chỉ tiêu cụ thể của Việt Nam đang đặt ra chưa đủ lớn cho tham vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chúng ta đang nói đến GDP đầu người giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt 4.700-5.000 USD một năm, đến năm 2030 đạt 7.500 USD một năm. Nhưng để mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì từ năm 2030, Việt Nam phải xác định ở top đầu các nước thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người là 10.000-12.000 USD một năm. Như vậy, ở các năm tiếp theo mới có thể tiến đến ngưỡng 15.000-18.000 USD.
Tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay của chúng ta cũng đang được đặt ra thấp, 6,5-7% một năm. Tốc độ này chỉ có thể thu hẹp khoảng cách với các nước chứ không bắt kịp vào năm 2045. Để bắt kịp, tôi cho rằng phải tăng trưởng ở mức 7-8% một năm. Việt Nam phải tăng trưởng cao và ổn định trong thời gian dài mới có thể đạt mục tiêu.
- Việt Nam liệu có cơ sở để hiện thực hoá các chỉ tiêu cao này?
- Tôi tin là làm được. Tôi nghĩ rằng cần có mục tiêu đủ cao để tạo áp lực cho lãnh đạo thay đổi tư duy, cách làm. Mà cũng phải như thế thì người giỏi, người tài mới nổi lên được.
Còn bản thân nội lực nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển mạnh. Với nền tảng hiện tại, kinh tế có thể tăng trưởng lên đến 10% một năm. Quan trọng là phải làm sống động lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Ví dụ như tổng đầu tư toàn xã hội đang chiếm 34% số chi ngân sách, nếu chúng ta hạ được chỉ số hiệu quả sử dụng vốn (ICORE) từ 6 đồng để có một điểm tăng trưởng xuống còn 4, GDP sẽ ngay lập tức tăng lên trên 8% mỗi năm.
Đấy là chưa nói đến các nguồn lực khác đang chờ được tái cơ cấu như các doanh nghiệp nhà nước làm ăn chưa hiệu quả, đất đai bỏ hoang, khối doanh nghiệp tư nhân... Tôi cho rằng, nếu gia tăng được hiệu quả đầu tư, cõ lẽ Việt Nam còn 10 năm để tăng trưởng với tốc độ cao.
- Vậy đâu là những điểm chúng ta cần cải cách, cải thiện?
- Thật ra nó rất đơn giản, vướng ở đâu, gỡ ở đó. Chúng ta đang nói đến tính hiệu quả sử dụng vốn và nguồn lực, vậy phải thật chú trọng vào điều này. Đơn cử như đầu tư công, bao năm nay bị đánh giá là dàn trải, kém hiệu quả thì nay khi chọn đầu tư, phải tính đến yếu tố hiệu quả đầu tiên. Thay vì có vài chục dự án, 10 năm mới xong thì nên gom lại, làm 2-3 dự án hiệu quả trước, sẽ tạo ra tác động lớn thay vì kéo dài như nay.
Việc lựa chọn những nơi để đầu tư cũng thế. Phải ưu tiên những nơi có tiềm lực, động lực kinh tế để phát triển trước. Chỗ nào tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn thì hãy đầu tư. Còn phát triển bao trùm là chiến lược dài hạn, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, phải dành cho chỗ nào có khả năng sinh lợi, tạo ra nhiều nguồn lực hơn. Như vậy, về lâu dài mới có thể giải được bài toán phát triển kinh tế nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau.
Mặt khác, tôi nhấn mạnh lại, cần phải bỏ những xin cho, chia chác trong phân bổ nguồn lực. Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể cân nhắc lại việc tái cơ cấu các bộ. Trong trường hợp cần thiết, có thể bỏ đi vài cơ quan. Đồng thời, Chính phủ cần có một cơ quan đầu não trực thuộc đủ mạnh về năng lực chuyên môn, vị thế chính trị để hoạch định chính sách. Điều này nhằm tránh các cơ quan bộ, địa phương chen lấn làm "nát" chính sách. Các Luật, quyết định, chính sách cũng cần tăng tốc hơn để không làm lỡ dở thời cơ.
Với kinh tế tư nhân, họ cần được tự do trong kinh doanh. Tư nhân hiện được thoả mãn làm những gì pháp luật không cấm rồi, nhưng chúng ta vẫn cần cải thiện hơn, đừng bắt tư nhân phải làm theo quy trình nữa, quan trọng là hiệu quả và không phạm luật. Triết lý này cần được ngấm vào trong tư duy người làm và thực thi luật, chính sách.
Để giảm rủi ro cho người kinh doanh, tôi nghĩ cũng nên bỏ thanh tra theo kế hoạch, thanh tra tuân thủ luật pháp. Nếu tôi động chạm đến lợi ích, quyền lợi của người khác, họ sẽ thưa tôi ra toà để xử lý, như vậy, thị trường sẽ quyết định luật chơi. Chúng ta chỉ cần thanh tra chuyên ngành, như thuế, môi trường, quản lý thị trường thôi. Cần tăng độ an toàn cho người kinh doanh, tránh họ cứ phải lo lắng những cuộc kiểm tra xách nhiễu.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng đến lúc Việt Nam phải có hệ thống toà án dân sự theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan này phải đứng ở vị trí độc lập, dùng pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp. Trong lúc chờ đợi, chúng ta có thể thành lập một cơ quan trong nhà nước chuyên bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp tư nhân.
Chúng ta nói và nói rất nhiều đến cải cách thể chế. Trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này cũng nhắc đến. Nhưng tôi nghĩ, điều cốt lõi vẫn phải tìm cách thiết lập: những thứ gì là rào cản phải tháo, dư thừa thì bỏ, còn thiếu phải xây dựng, để nền kinh tế chuyển hẳn sang kinh tế thị trường đầy đủ ở mọi mặt.
Đức Minh