"Các quốc gia thù địch không đủ dũng cảm để thừa nhận những lệnh trừng phạt 'khủng khiếp' của họ đã thất bại. Chúng không có tác dụng", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết trên Telegram hôm nay.
Theo ông Medvedev, hầu hết hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng của phương Tây đã được thay thế bởi sản phẩm nội địa và các thương hiệu từ châu Á.
"Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế Nga tăng trưởng trong năm nay", ông Medvedev bổ sung. Hơn nữa, hoạt động nhập khẩu song song cũng hiệu quả và người tiêu dùng Nga vẫn có thể tiếp cận các thương hiệu phương Tây.
Nga hồi tháng 2/2022 mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt để đáp trả. Nhiều thương hiệu của phương Tây sau đó phải điều chỉnh hoạt động ở Nga, dừng hoạt động hoặc rời khỏi thị trường này.
Kinh tế Nga khởi đầu năm 2022 tương đối tích cực nhưng sau đó đi xuống do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt. Nga phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu năng lượng và ghi nhận thâm hụt ngân sách tương đương 2,3% GDP trong năm 2022, gấp hơn hai lần mục tiêu đặt ra.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 17/1 cho biết kinh tế Nga năm 2022 có thể suy giảm 2,5% nhưng vẫn tốt hơn dự báo của nhiều chuyên gia. Giới chức Nga cho rằng kinh tế nước này đang dần phục hồi và các lệnh trừng phạt sẽ tác động ngược trở lại phương Tây khi giá năng lượng tăng, đẩy lạm phát lên cao.
IMF ngày 30/1 cập nhật báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, điều chỉnh dự báo kinh tế Nga năm 2023 tăng trưởng 0,3%, đảo ngược dự báo suy giảm 2,3% đưa ra hồi tháng 10/2022. Với năm 2024, IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 2,1%, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, Koeva Brooks, phó giám đốc Phòng Nghiên cứu của IMF, cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn chưa bộc lộ hết sức ảnh hưởng đến kinh tế Nga.
Như Tâm (Theo TASS, euronews)