Tại tọa đàm "Phát triển tài chính bán lẻ, Cơ hội thúc đẩy tiêu dùng - phục vụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam" ngày 12/7, ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam tăng gần 26% trong vòng 11 năm qua, từ mức 52,5% năm 2005 lên 78,34% vào 2016. Xét ở độ đa dạng của sản phẩm, sự nhanh nhạy với thị trường và tốc độ phát triển, thì nhóm công ty tài chính tiêu dùng đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Song mức lãi suất "chót vót" của công ty tài chính tiêu dùng cũng đang làm mối bận tâm của người đi vay.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đang cao gấp 3 lần so với lãi vay của ngân hàng cùng kỳ hạn. Nhưng nếu so sánh với tín dụng đen thì mức vay này vẫn thấp hơn nhiều.
Ông phân tích, cùng mức công bố lãi vay 1% một năm với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng và trả gốc mỗi tháng một triệu đồng, nhưng lãi thực phải trả theo số dư nợ gốc cố định ban đầu mà các công ty tài chính áp dụng trước đây thì lãi suất sẽ là 22% một năm, chứ không phải 12% một năm như mức tính của ngân hàng thương mại.
"Khi các công ty tài chính công bố lãi suất cố định cho từng khoản vay theo tuần, tháng mà không giải thích rõ với người vay, nên tạo cảm giác lãi vay thấp mà thực tế lại rất cao, thường trên 20% một năm, thậm chí có khoản vay 60-70% một năm", Chủ tịch Công ty Luật Basico chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường cao "ngất", là do đối tượng là khách hàng dưới chuẩn, mức độ rủi ro cao; chi phí vốn đầu vào của các công ty tài chính hơn hơn ngân hàng; chi phí hoạt động của công ty tài chính lớn do khoản vay nhỏ, kỳ hạn ngắn…
"Bản thân hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng rủi ro rất cao nên luật khống chế không cho họ hoạt động huy động tiền từ dân cư. Đây cũng là yếu tố làm cho lãi suất cho vay từ công ty tài chính cao hơn nhiều so với lãi vay thương mại của ngân hàng", ông Hoè nói.
Để đảm bảo phản ánh đúng lãi suất, tránh tình trạng con số công bố và thực chất khác nhau, Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng phải được quy định đổi theo tỷ lệ % một năm và phải tính theo số dư nợ cho vay, thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế. Đây được coi là hành lang pháp lý phù hợp để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh hơn.
Ngoài quy định này, ông Trương Thanh Đức đề nghị, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức tín dụng.
Dù ghi nhận "công lao" của vay tiêu dùng đã góp phần giảm tín dụng đen, song có ý kiến chuyên gia lo ngại về biến tướng của loại hình vay này.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thận trọng trước những con số tăng trưởng nhanh chóng của cho vay tiêu dùng vừa qua. Theo ông, tốc độ tăng cho vay tiêu dùng trên GDP hiện quá nhanh, trong khi đó tiết kiệm là ít. Hơn nữa, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP ở Việt Nam cao hơn nhiều nước châu Âu, Mỹ là không bình thường.
Ông Nghĩa cảnh báo, cần xem xét lại một vài thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng. Cụ thể hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu thời gian qua là mua nhà và ô tô nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. "Nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng", Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa lưu ý.
Anh Minh