Theo ông Khuê, đến chiều 7/5 ít nhất 7 bệnh viện đang cách ly y tế do có ca Covid-19 hoặc yếu tố dịch tễ liên quan ca Covid-19. Trong đó, có Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội) 7, Bệnh viện K (Hà Nội)....
Bệnh viện K hôm nay tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân tại 3 cơ sở, sau khi phát hiện 10 ca dương tính nCoV là bệnh nhân và người nhà trong 123 mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Ông Khuê cho biết trong đợt dịch này, chủng virus được tìm thấy ở một số bệnh nhân là biến chủng từ Anh và Ấn Độ, đều có tốc độ lây lan rất nhanh.
"Vì vậy, các bệnh viện cần cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, phải xem mức độ dịch và số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng phức tạp, như tại Bệnh viện K, để chủ động các biện pháp phòng ngừa", Cục trưởng Khuê nhấn mạnh.
Các bệnh viện xuất hiện ca Covid-19 đều dừng tiếp nhận bệnh nhân để sàng lọc và phát hiện sớm các ca nhiễm.
Ông Khuê nói rằng "bệnh viện là một xã hội thu nhỏ". Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bệnh viện không chỉ đối phó với dịch bệnh mà cần đảm bảo công tác khám chữa bệnh hằng ngày cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bệnh viện phải tuyệt đối bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng. Thông điệp là "Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng chống Covid-19".
"Các bệnh viện phải tổ chức cách ly, phân luồng bệnh nhân, đặc biệt coi bệnh nhân đến đều là F0 để có các biện pháp phòng dịch phù hợp. Tất cả bệnh nhân đều được sàng lọc và khai báo y tế", ông Khuê yêu cầu.
Bệnh viện phải tổ chức sàng lọc xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở các khu vực có dịch trong cộng đồng. Các bệnh viện ở khu vực chưa có dịch trong cộng đồng thì định kỳ 3 ngày một tuần phải xét nghiệm cho các bác sĩ tuyến đầu như ở phòng khám bệnh, khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khu vực này.
Tất cả bệnh viện trên cả nước phải triển khai giãn cách trong bệnh viện, khuyến cáo 5K, hạn chế người nhà tới thăm bệnh nhân, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, kê giường bệnh giãn cách 2 m. Đối với bệnh nhân mạn tính, cho phép bác sĩ kê đơn thuốc tùy theo tình trạng bệnh, tối đa được kê đơn thuốc 3 tháng. Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí đơn thuốc, để bệnh nhân không phải tới bệnh viện mà vẫn có thuốc điều trị.
Ông Khuê cũng yêu cầu tất cả bệnh viện truyền thông để giảm người dân đến bệnh viện trong giai đoạn dịch đang bùng phát, giảm việc thăm khám. Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
"Lúc này, các nhân viên y tế cùng nhau đồng lòng phòng chống dịch bệnh, bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân lây nhiễm bệnh để chống dịch hiệu quả, ngăn chặn lây lan", ông Khuê nói.