Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm, cho rằng với 38 ca nhiễm tính đến tối 6/5, có thể coi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là ổ dịch. Hiện chưa có kết quả giải trình tự gene nhưng có thể nhận thấy chủng virus ở cụm dịch này lây lan rất mạnh. Cơ quan chức năng đang điều tra, truy vết xem nguồn lây từ cộng đồng hay trong bệnh viện. Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giả thiết về nguồn lây.
Ông Hà nhận định virus lây lan trong bệnh viện có rất nhiều nguyên nhân. Ông nghiêng về giả thiết lây nhiễm chéo trong viện do nơi đây hàng ngày tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 và cả bệnh nhân thường. Mặc dù hai khu điều trị cách biệt, quy trình nghiêm ngặt, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu.
"Điều này là khó tránh khỏi. Trên thế giới, nhiều nguyên thủ quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt song cũng mắc Covid-19", ông Hà nói.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến đầu điều trị Covid-19 tại miền Bắc kể từ năm 2020. Đến nay, bệnh viện đã điều trị 605 bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều ca nặng, phải can thiệp bằng hệ thống ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể). Hiện còn 131 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại viện.
Trong ba ngày 4-5-6/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận 38 trường hợp dương tính nCoV gồm 3 nhân viên y tế, còn lại là người bệnh và người nhà. Bệnh viện cơ sở hai ở Đông Anh cách ly y tế từ ngày 5/5.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cũng nghiêng về giả thiết lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Trong đó bệnh nhân Covid-19 lây truyền virus cho người bệnh khác và nhân viên y tế.
Theo ông Phu, trong quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện rất dễ xảy ra sơ sót, khiến y bác sĩ nhiễm virus từ bệnh nhân, lây cho nhiều người khác. Ông nhấn mạnh "lây nhiễm chéo là do sơ suất, chứ không phải do chủ quan".
"Hàng ngày, bệnh viện phải tiếp nhận, điều trị rất nhiều bệnh nhân Covid-19, trong đó có cả những bệnh nhân cách ly, xét nghiệm chưa phát hiện bệnh. Vì vậy, việc kiểm soát lây nhiễm rất khó khăn", ông nói.
Có rất nhiều vấn đề về kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện như: mặc quần áo bảo hộ, khử khuẩn, dụng cụ y tế, đeo khẩu trang, quá trình tiếp nhận, khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19, xét nghiệm... Trong quá trình thực hành, bác sĩ hoặc bệnh nhân có thể chạm vào bề mặt chứa nCoV, hoặc đeo khẩu trang không thường xuyên, hoặc quá trình mặc đồ bảo hộ, quản lý chất thải không đảm bảo an toàn. Tất cả đều dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngoài giả thiết về lây nhiễm chéo, ông Phu cũng nghi ngờ nguồn lây lan Covid-19 trong bệnh viện do bệnh nhân bị nhiễm nCoV từ cộng đồng, khi đến khám và điều trị thì lây cho nhân viên và bệnh nhân tại đây. Nguyên nhân khác, do người nhà bệnh nhân đến chăm sóc - thăm nom hoặc nhân viên bệnh viện bị nhiễm virus từ cộng đồng rồi lây cho nhân viên, bệnh nhân khác.
"Giải pháp trước mắt là cách ly y tế, xem xét lại các quy trình về phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, phòng chống Covid-19 từ khử khuẩn, kiểm soát lây nhiễm chéo...", ông Phu đề xuất.
Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến Covid-19 vẫn còn dài. Bên cạnh các biện pháp bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho lực lượng y tế tuyến đầu, những thầy thuốc cũng rất cần sự chung sức, ủng hộ từ cộng đồng.
Ngày 4/5, một bác sĩ thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xét nghiệm dương tính nCoV khi đi công tác nước ngoài. Bộ Y tế chưa ghi nhận trường hợp dương tính này. Từ đây, bệnh viện lấy mẫu hơn 800 người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân tại viện để xét nghiệm. Từ chiều 5/5 đến tối 6/5, Bộ ghi nhận 38 trường hợp dương tính nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chi Lê - Thúy Quỳnh