Chia sẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 6/5, Bộ trưởng Long nói rằng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là thành trì quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc, là nơi tiếp nhận tất cả bệnh nhân Covid-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng. Đến nay, bệnh viện đã điều trị hơn 1.000 ca Covid-19, trong đó nhiều ca rất nặng đã điều trị thành công, chưa có trường hợp nào tử vong.
"Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng từ tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện. Chúng tôi đánh giá rất cao tập thể các y bác sĩ, những người đã quên mình hơn một năm rưỡi qua trong trận chiến hết sức cam go này", Bộ trưởng nói.
Giờ đây, thành trì này đã bị thủng. Trong hai ngày 5/5 và sáng 6/5, 22 ca nhiễm đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, là nhân viên y tế (một bác sĩ và một điều dưỡng), bệnh nhân, thân nhân của bệnh nhân. Đến sáng nay, ít nhất 4 tỉnh thành đã ghi nhận tổng cộng 19 ca nghi nhiễm liên quan viện Nhiệt đới. Trong đó, Bắc Ninh 9 ca, Thái Bình 5 ca, Hưng Yên 2 ca, Hà Nội 3 ca gồm 2 ca là người chăm sóc bệnh nhân và một bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 105 đi học tại viện Nhiệt đới.
Nhận định về nguyên nhân lây nhiễm Covid-19 trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng cho rằng "có thể lây giữa các khoa trong bệnh viện hoặc lây từ người nhà bệnh nhân". Giới chức y tế đang phối hợp đánh giá nguyên nhân lây nhiễm tại đây.
Từ việc xuất hiện chùm ca bệnh trong bệnh viện và ca bệnh sau khi cách ly tập trung, Bộ trưởng Long cho rằng có rất nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra. Đặc biệt là bài học liên quan môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.
Đầu tiên, Bộ Y tế đã đánh giá, tìm hiểu lại nguyên nhân các trường hợp dương tính sau 14 ngày cách ly. Từ đó, Bộ Y tế đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, công bố chiều 5/5 và áp dụng ngay.
Tiếp theo, là bài học ở khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai chặt chẽ khâu bàn giao này, cũng áp dụng ngay từ chiều 5/5.
Bài học thứ ba là khâu theo dõi tại địa phương sau khi hết cách ly tập trung, tức cách ly tại nhà hoặc tại nơi cư trú. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm, giám sát và theo dõi sức khỏe người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung.
Bài học thứ tư, công tác xét nghiệm trong thời gian cách ly có thể còn bỏ lọt các mẫu dương tính. Bộ Y tế yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2-3 lần lên 4-5 lần, đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Thứ năm là khả năng lây nhiễm trong bệnh viện. Hiện đã xảy ra tình trạng lây nhiễm trong một số bệnh viện, theo Bộ trưởng Long. Bệnh viện là nơi phát hiện các trường hợp lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại đây rất cao. Bộ yêu cầu tất cả bệnh viện phải sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục đối với nhân viên y tế cũng như nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Bài học là cần triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
Ngay khi phát hiện cụm dịch ở cơ sở 2 của bệnh viện (tại Đông Anh, Hà Nội), Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly y tế toàn bộ cơ sở 2, sàng lọc tất cả người trong bệnh viện. Bệnh viện cũng lập danh sách tất cả người đến khám chữa bệnh kể từ ngày 14/4 đến nay, gửi các địa phương truy vết, cách ly, xét nghiệm.
"Cách làm này chúng ta đã có kinh nghiệm, Bệnh viện Bạch Mai trước đây là một ví dụ. Bạch Mai lớn hơn rất nhiều so với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Chúng tôi tin rằng các địa phương đang khẩn trương truy vết tìm ra những người tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời", Bộ trưởng nói.
Tháng 3-4 năm ngoái, liên quan đến hàng chục ca nhiễm từ một đơn vị hợp đồng cung cấp nước sôi, Bệnh viện Bạch Mai đã phải phong tỏa 14 ngày, với cả nghìn bệnh nhân, nhân viên y tế trong viện.
Bộ Y tế động viên tất cả nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương "không ai rời vị trí, sẵn sàng trong điều trị" bệnh nhân. Hiện, bệnh viện vẫn tiếp tục tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 nặng.