Nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 đã đạt đến những bước thử nghiệm cuối cùng ở người, số khác theo sát ở giai đoạn hai hoặc ba. Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi lớn: quốc gia nào sẽ được ưu tiên sử dụng nếu vaccine điều chế thành công? Số khác lo ngại các nước thu nhập thấp sẽ bị bỏ lại phía sau, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hai tháng trở lại đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục kêu gọi phân phối vaccine như loại hàng hóa cộng đồng, sao cho những liều đầu tiên đến tay cả các khu vực khó khăn nhất. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã kịp thỏa thuận với nhà phát triển để đảm bảo công dân của họ là những người đầu tiên được hưởng lợi.
Một trong những loại vaccine trong top đầu cuộc đua đến từ Đại học Oxford và công ty công nghệ sinh học AstraZeneca, dự kiến ra mắt tháng 9 tới. Chính phủ Anh đã ký một bản hợp đồng với hai đơn vị vào tháng trước, điều kiện nước này được phân phối trước 30 triệu liều vào năm nay, 70 triệu liều tiếp theo vào năm 2021.
Chính phủ Mỹ cũng đã tài trợ 1,2 tỷ USD cho sản phẩm. Đổi lại, AstraZeneca sẽ ưu tiên 300 triệu liều vaccine cho quốc gia.
Đầu tháng 6, Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập Liên Minh Vaccine nhằm thúc đẩy quá trình phát triển "ứng viên" từ Oxford, đồng thời "giữ chỗ" trước 400 liều vaccine với giá cả phải chăng.
Trong khi đó, Canada, Brazil và Ả Rập đã đồng ý trở thành khu vực thử nghiệm giai đoạn ba cho Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Biotec. Nếu vaccine được chấp thuận, các nước này sẽ được nhận được những liều đầu tiên. Trên thực tế, kể từ khi Covid-19 suy yếu tại đại lục, các công ty như CanSino Biologics, Sinovac Biotech và Tập đoàn Quốc gia phải chật vật tìm kiếm tình nguyện viên tại nơi dịch bệnh vẫn hoành hành.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng những cuộc trao đổi như thế này xuất phát từ lợi ích toàn cầu.
"Vaccine Covid-19 là tổ hợp của nhiều giai đoạn, bao gồm phát triển, sản xuất, mua bán và quản lý. Chúng tôi nghĩ rằng điều đầu tiên cần tránh trong quá trình này là tư tưởng ‘chủ nghĩa dân tộc’ trong cuộc đua vaccine’", Zhang Li, giám đốc đổi mới chiến lược và đầu tư tại Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (Gavi), nhận định.
"Các quốc gia vội vàng ký kết các thỏa thuận song phương với tất cả các nhà sản xuất ở thời điểm này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng các nước thu nhập thấp không được tiếp cận với vaccine", ông bổ sung.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Zhang cũng đề cập đến việc giữ mức giá phải chăng đối với sản phẩm.
"Điều quan trọng nhất là làm thế nào để tích hợp nhu cầu mua chung của tất cả các nước cũng như năng lực sản xuất của hãng dược, thực hiện kế hoạch hóa và phân phối vĩ mô. Điều này có lẽ tốt hơn so với các thỏa thuận song phương, đơn phương", ông nói.
Li Yinuo, giám đốc văn phòng quốc gia Trung Quốc của Quỹ Bill & Melinda Gates, cho biết công nghệ là chìa khóa trong việc giải quyết các mâu thuẫn lợi ích giữa đáp ứng nhu cầu trong nước và phân phối vaccine rộng rãi toàn cầu. Các chiến dịch tiêm chủng không thể diễn ra ngày một ngày hai. Chúng sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu cộng đồng, bắt đầu với những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh, như người già và nhân viên y tế.
Thục Linh (Theo SCMP)