Trong cuộc họp báo thường niên tại Moskva ngày 18/1 nhằm đánh giá kết quả đối ngoại năm 2023 của Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov được hỏi liệu tình hình thế giới hiện nay có căng thẳng như khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 hay không.
"Nếu những người phụ trách chính sách đối ngoại ở phương Tây có thể lên tiếng độc lập, tôi nghĩ tình hình sẽ khác. Nhưng tất cả họ đều nghe theo Mỹ, tiếp đó là Anh. Tôi đã nêu ví dụ về việc London xúi giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tập kích bất kỳ địa điểm nào ở Nga", Ngoại trưởng Nga cho hay.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân liên quan đến một tàu ngầm Liên Xô. Biên đội 4 tàu ngầm của hải quân Liên Xô khi đó tìm cách băng qua hàng rào phong tỏa của tàu chiến Mỹ để tiếp cận Cuba, nhưng bị Mỹ phát hiện và thả bom chìm huấn luyện, gây hỏng cột ăng ten vô tuyến trên tàu ngầm Liên Xô.
Thủy thủ đoàn không liên lạc được với sở chỉ huy và không biết rằng tổng thống Mỹ bấy giờ John F. Kennedy đã bí mật đồng ý loại bỏ tất cả tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev rút toàn bộ tên lửa triển khai ở Cuba.
Nhận định chiến tranh đã nổ ra, thuyền trưởng tàu ngầm B-59 của Liên Xô ra lệnh nạp ngư lôi hạt nhân, chuẩn bị khai hỏa vào tàu chiến Mỹ. Tuy nhiên, tham mưu trưởng Lữ đoàn tàu ngầm số 69 có mặt trên tàu lúc đó đã ngăn cản, giúp thế giới tránh được một cuộc chiến hủy diệt.
Khủng hoảng tên lửa Cuba được tháo ngòi, song nó trở thành biểu tượng cho mối nguy hiểm của cuộc cạnh tranh siêu cường trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong cuộc họp báo, ông Lavrov cũng dẫn tuyên bố đe dọa Nga từ một số cựu quan chức quân đội cấp cao của Mỹ, trong đó có Ben Hodges, cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Âu.
"Họ nói phải hủy hoại mọi điều kiện sống ở Crimea để không hạm đội Nga nào đóng tại đó nữa, không một ai cả", ông nhấn mạnh.
Theo Ngoại trưởng Nga, không ai có ý định kiềm chế những người này. "Tất cả những gì họ nói là Tổng thống Vladimir Putin đe dọa sử dụng bom hạt nhân, dù Tổng thống chưa từng nói ra những lời như thế, trái ngược với châu Âu và Mỹ", ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Nga đồng thời nhấn mạnh những phát ngôn của một số chính trị gia châu Âu mà ông cho là đe dọa Nga.
"Người Đức từng nhiều lần nói Tổng thống Putin nên biết NATO cũng có vũ khí hạt nhân. Một nữ thủ tướng Anh từng tuyên bố không ngại nhấn nút (kích hoạt vũ khí hạt nhân)", ông Lavrov nói, đề cập nữ thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher. "Đừng ai dọa chúng tôi, nhiều người hiểu rõ điều đó. Họ nên đọc về cố thủ tướng Anh Winston Churchill thường xuyên hơn, ông ấy có câu nói về gấu Nga và cách nên đối xử với nó".
Trong phát biểu hồi năm 1945 sau khi Thế chiến II kết thúc, ông Churchill mô tả "tôi từng ngồi đó, một bên là con gấu Nga với móng vuốt giương lên, và bên kia là con bò mộng Mỹ. Ở giữa là con lừa Anh tội nghiệp, nhưng là kẻ duy nhất biết đường về nhà".
Trả lời phóng viên, ông Lavrov cũng bác đề xuất của Mỹ về nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí hạt nhân. Theo Ngoại trưởng Nga, việc này là bất khả thi trong bối cảnh Mỹ hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tháng 6 năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng đàm phán không cần điều kiện với Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai, ngay cả khi quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng Mỹ đề xuất khôi phục các cuộc đàm phán do muốn nối lại việc thanh tra các cơ sở hạt nhân của Nga.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Nga và Mỹ là hai các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga sở hữu 5.889 đầu đạn hạt nhân và Mỹ sở hữu 5.244 đầu đạn hạt nhân.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định Tổng thống Putin là người ra quyết định cuối cùng về sử dụng vũ khí hạt nhân, cả với đầu đạn chiến lược và chiến thuật. Điện Kremlin khẳng định theo học thuyết này, Moskva chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ khi quốc gia bị đe dọa, không khai hỏa "theo cảm tính".
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng nhiều lần đề cập đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Giới quan sát cho rằng phát biểu của ông Medvedev cho thấy tư tưởng cứng rắn của một số lãnh đạo cấp cao Nga, trong bối cảnh Moskva coi chiến sự Ukraine là cuộc đấu tranh sinh tồn với phương Tây.
Huyền Lê (Theo TASS, Pravda, Express)