Ông Kim Jong-un ngày 17/9 lên chuyến tàu bọc thép từ vùng Primorye ở vùng Viễn Đông, kết thúc chuyến thăm "chính thức và hữu nghị" tới Nga từ ngày 12/9. Trong chuyến công du đầu tiên kể từ năm 2019, lãnh đạo Triều Tiên đã gặp Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức cấp cao Nga, cũng như thăm loạt địa điểm quân sự, công nghệ quan trọng của nước này.
Trước khi rời Nga, Thống đốc vùng Primorye đã tặng lãnh đạo Triều Tiên một chiếc áo chống đạn "nhẹ hơn nhiều so với phiên bản trước đây", cũng như 5 máy bay không người lái (UAV) tự sát và một UAV trinh sát Geranium-25, cùng một bộ đồ có khả năng tàng hình trước thiết bị ảnh nhiệt, theo TASS.
Ông Kim cũng được Tổng thống Putin tặng một khẩu súng trường do Nga sản xuất cùng một chiếc găng tay từ bộ đồ phi hành gia. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu còn tặng lãnh đạo Triều Tiên một chiếc mũ lông.
Nhưng đó không phải là toàn bộ những gì ông Kim nhận được từ chuyến thăm. Ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, lãnh đạo Triều Tiên đã dành phần lớn thời gian để tham quan các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
Một ngày sau khi đến nhà máy sản xuất máy bay ở Komsomolsk-on-Amur, nơi chế tạo những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga, ông Kim tới sân bay gần Vladivostok hôm 16/9. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và các quan chức quân sự cấp cao đã giới thiệu cho ông về các mẫu oanh tạc cơ chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân.
Tất cả máy bay chiến đấu mà Nga giới thiệu với ông Kim đều đã được "thử lửa" trong chiến dịch ở Ukraine, gồm oanh tạc cơ Tu-160, Tu-95 và Tu-22. Ông Shoigu và trung tướng Sergei Kobylash, tư lệnh không quân chiến lược Nga, lần đầu xác nhận Tu-160 gần đây được trang bị tên lửa hành trình mới với tầm bắn lên tới 6.500 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, người đã gặp ông Kim trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 7, cũng cho ông Kim thấy tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, một trong những "siêu vũ khí" mới của Nga và cũng đã từng được sử dụng ở Ukraine.
Ông Shoigu và ông Kim sau đó tới Vladivostok, nơi họ thị sát tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov. Tư lệnh hải quân Nga Nikolai Yevmenov đã giới thiệu với ông Kim về tính năng và vũ khí của con tàu, trong đó có tên lửa hành trình tầm xa Kalibr mà tàu chiến Nga thường xuyên phóng vào các mục tiêu của Ukraine.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng các quan chức quân sự hàng đầu như Bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam cùng tư lệnh hải quân và không quân Triều Tiên đã tháp tùng ông Kim trong chuyến thăm.
Sau bữa trưa, ông Kim và ông Shoigu thảo luận về môi trường an ninh khu vực và "những vấn đề thực tế phát sinh trong tăng cường phối hợp chiến thuật và chiến lược, hợp tác và trao đổi lẫn nhau giữa lực lượng vũ trang hai nước", theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên.
Trong cuộc gặp hồi tháng 7, lãnh đạo Kim Jong-un cũng từng đưa Bộ trưởng Shoigu tham quan các hệ thống vũ khí của Triều Tiên trước khi mời ông theo dõi lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi giới thiệu các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
Các chuyến thăm cơ sở quân sự và công nghệ Nga tuần này của ông Kim có thể phần nào cho thấy những gì lãnh đạo Triều Tiên mong muốn nhận từ Moskva, khi hai nước tăng cường xích lại gần nhau, theo giới quan sát.
Ông Putin và ông Kim trong hội đàm đã thảo luận về hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai nước. Chuyên gia nhận định hợp tác quân sự tiềm năng giữa hai bên có thể bao gồm nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân Triều Tiên, vốn dựa vào các máy bay chiến đấu được Liên Xô sản xuất trong những năm 1980.
Dù Moskva và Bình Nhưỡng không công bố bất kỳ thỏa thuận nào ký kết trong chuyến thăm, các chuyên gia tin rằng chuyến công du hiếm hoi của ông Kim đã củng cố quan hệ giữa Triều Tiên với Nga giữa lúc hai nước đối mặt nhiều thách thức từ phương Tây.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 17/9, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói Nga sẽ hợp tác với Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi không công bố biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên như Hội đồng Bảo an đã làm", ông nói. "Chúng tôi sẽ phát triển hợp tác bình đẳng, công bằng với Bình Nhưỡng".
Việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về nước với cam kết của Nga trong hỗ trợ chương trình không gian có thể giúp Triều Tiên đạt được mục tiêu lâu dài là đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Trong 25 năm qua, Triều Tiên đã 7 lần nỗ lực đưa vệ tinh vào quỹ đạo, song không mang lại kết quả như mong đợi. Sự hỗ trợ từ Nga có thể giúp Bình Nhưỡng xoay chuyển tình thế, từ đó xây dựng mạng lưới vệ tinh quân sự giám sát mọi động thái của quân đội Mỹ cùng đồng minh trong khu vực.
"Vệ tinh rất quan trọng đối với hoạt động quân sự hiện đại và thu thập thông tin tình báo", David Schmeler, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, nói.
Triều Tiên đã hai lần phóng vệ tinh thất bại trong năm nay. Trong khi đó, chương trình không gian của Nga đã thu được những thành tựu đáng kể. Bình Nhưỡng có thể "sử dụng hệ thống tên lửa đẩy của Nga để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, cho tới khi họ phát triển được hệ thống riêng hoặc để phóng vệ tinh lớn hơn", Schmeler nói.
Do có diện tích tương đối nhỏ, Triều Tiên gặp nhiều hạn chế về truy cập dữ liệu vệ tinh từ các trạm theo dõi mặt đất hoặc qua đường truyền giữa các vệ tinh. "Sự hỗ trợ của Nga có thể thay đổi điều đó", Markus Schiller, kỹ sư hàng không vũ trụ kiêm người sáng lập công ty tư vấn về công nghệ vũ trụ ST Analytics ở Đức, nói.
Ông Kim bày tỏ ấn tượng với chuyến thăm trung tâm vũ trụ Nga. Truyền thông nhà nước cho biết ông đã để lại thông điệp trong cuốn sổ lưu niệm rằng "vinh quang của nước Nga với những người chinh phục không gian đầu tiên sẽ không bao giờ biến mất".
Thanh Tâm (Theo Guardian, AFP, Bloomberg, CNN)