- Là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng, trách nhiệm của ông như thế nào trong hai đợt dịch vừa qua?
- Mọi việc liên quan đến dịch bệnh đều có trách nhiệm của người đứng đầu. Trong làn sóng Covid thứ hai ở Việt Nam, Đà Nẵng là tâm dịch. Kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy bệnh xâm nhập và lan ra cộng đồng từ 1/7, nhưng cuối tháng 7 mới được phát hiện.
Giai đoạn này, đang có sự lỏng lẻo chung trong toàn quốc vì Việt Nam đã trải qua 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng, riêng Đà Nẵng là 104 ngày. Sản xuất kinh doanh, du lịch đã sôi động trở lại nên tâm lý chủ quan khá phổ biến. Trong lúc đó, cơ quan chuyên môn chưa có hướng dẫn nghiêm ngặt. Các cơ sở y tế không đề cao nguyên tắc sàng lọc từ đầu. Nhiều người ho, sốt không được làm xét nghiệm mà chỉ khám, cho thuốc về điều trị, từ đó để lọt bệnh nhân Covid-19.
Dịch bệnh cùng lúc xảy ra ở hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C. Bệnh viện Đà Nẵng vốn quá tải, dịch bùng phát tấn công vào các bệnh nhân có bệnh nền nặng, gây khó khăn cho quá trình cứu chữa. Đó là sự chủ quan chung và chúng ta đã rút ra được bài học.
Chúng tôi đề cao trách nhiệm cá nhân, trực chiến, toàn tâm, toàn ý cho việc phòng chống dịch. Các thành viên trong Ban chỉ đạo phải để chế độ điện thoại reo và mạng điều hành "BCĐ Covid-19" hoạt động liên tục 24/24. Lãnh đạo thành phố cũng lắng nghe các cơ quan chuyên môn tham mưu, nhưng khi đã đưa ra quyết định thì phải chính xác, quyết đoán và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
- Chính quyền thành phố đã đưa ra những quyết định gì và kết quả như thế nào?
- Làn sóng bệnh dịch thứ hai được phát hiện khi đã trải qua sáu chu kỳ lây lan. Mỗi chu kỳ ước tính khoảng 5 ngày. Với hệ số lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng thì số người mắc ước tính đến hàng trăm người.
Ngoài các nguyên tắc về phòng, chống dịch như khẩn trương truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, điều trị thì điều quan trọng nhất trong thời điểm đó là để chặn được dịch phải hành động nhanh hơn sự lây lan.
Trong tình thế cấp bách, thay vì họp ban chỉ đạo vài ba ngày một lần, Đà Nẵng đã họp hàng ngày, ấn định vào 16h và kéo dài đến 19h. Sở dĩ họp thời gian như vậy vì khi đó đã tổng hợp được số liệu, những vướng mắc cần xử lý tức thời. Chúng tôi bắt cỗ máy phải làm việc trong đêm để những quyết định đưa ra từ cuộc họp được thực thi ngay vào hôm sau.
Số ca bệnh tăng chóng mặt, hàng nghìn người phải được cách ly nên các cơ sở cách ly của thành phố và quân đội không thể đáp ứng. Chúng tôi phân quyền cho các quận, huyện huy động ngay khách sạn, tận dụng trường học và dùng nguồn kinh phí ứng trước để xử lý ngay, không cần họp hành xin ý kiến mất thời gian và chậm cuộc đua chống dịch.
Một trong những quyết định mang tính mấu chốt của "cuộc chiến này" là chiến lược xét nghiệm. Ước tính có hàng trăm người mắc Covid-19 thì làm sao quăng một mẻ lưới quét được hết các trường hợp đó. Chậm một ngày thì người nhiễm sẽ nhân lên gấp bội.
Tôi yêu cầu những cơ sở y tế đủ năng lực thiết lập và xin ý kiến Bộ Y tế về việc được phép xét nghiệm, nâng từ một lên 9 cơ sở. Nhưng làm thế nào để xét nghiệm nhanh và ít tốn kém nhất. Đây là câu chuyện đau đầu.
Lãnh đạo thành phố đã đề nghị Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật áp dụng xét nghiệm gộp nhóm. Ban đầu, rất nhiều ý kiến e dè vì Bộ Y tế chưa có hướng dẫn phương pháp này. Trưa hôm đó tôi không về nhà ăn cơm mà dành thời gian đọc, nghiên cứu. Nhiều bạn bè cũng gọi điện hiến kế thêm.
Tôi thấy phương pháp này không ảnh hưởng kết quả xét nghiệm, tối ưu thời gian, tiết kiệm chi phí. Thế giới đã có nơi làm thành công. Tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng tại thời điểm đó là 1/1.000 thì không mắc chi mỗi người dân làm một xét nghiệm. Tôi đối thoại với CDC và yêu cầu làm ngay xét nghiệm gộp nhóm.
Nhờ các biện pháp đó, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng tăng từ 700 mẫu lên 13.000 mẫu mỗi ngày và rất ít số mẫu phải làm lại lần hai để xác định ca dương tính. Có "vũ khí" này, Đà Nẵng đã quét toàn bộ 20.000 người liên quan đến các bệnh viện trong khoảng một tuần, phát hiện thêm 23 người nhiễm nCoV; đồng thời truy vết toàn bộ khu vực chợ, các cộng đồng dân cư có nguy cơ, học sinh thi tốt nghiệp THPT... và cuối cùng là lấy mẫu đại diện trong toàn dân.
Tổng số xét nghiệm chúng tôi đã làm đến nay là hơn 330.000 mẫu, chiếm 1/3 dân số.
Thực sự, nếu không có biện pháp gộp nhóm thì chúng ta khó chặn được dịch trong hoàn cảnh như Đà Nẵng bấy giờ. Chúng tôi có thể rút ngắn thời gian truy tìm người lây nhiễm từ năm ngày xuống còn một ngày. Sau một tháng, dịch bệnh được kiểm soát. Từ "bệnh nhân 1.040" được Bộ Y tế công bố ngày 29/8, đến nay Đà Nẵng không còn ca lây nhiễm cộng đồng.
- Đỉnh điểm một ngày ở Đà Nẵng có 45 ca nhiễm mới, ông đã lường trước những tình huống nào?
- Khi đó chúng tôi đã nghĩ đến kịch bản tồi tệ là hàng nghìn người nhiễm Covid-19. Kịch bản đó thì phải có bệnh viện dã chiến. Cung thể thao Tiên Sơn là địa điểm được chọn. Nhưng làm thế nào để chỉ trong 4 ngày có được bệnh viện. Với sức của thành phố và các thủ tục kèm theo sẽ rất khó.
Thành phố huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và được giúp làm bệnh viện dã chiến. Vấn đề còn lại là xử lý nước thải ra sao. Ngay trong một cuộc họp, tôi đã gọi điện thoại mượn module xử lý nước thải của một tập đoàn. Rất may doanh nghiệp này đã hỗ trợ lắp đặt miễn phí, trị giá 5 tỷ đồng cho thành phố. Có bệnh viện dã chiến, chúng tôi yên tâm hơn, dù mong không phải sử dụng đến.
Chúng tôi còn tính đến chuyện phong tỏa như Vũ Hán (Trung Quốc). Người dân sẽ ở trong nhà, nhu yếu phẩm sẽ được lực lượng chức năng mang đến. Nhưng sau đó thành phố quyết định áp dụng cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Đóng cửa hàng ăn uống thì người dân đổ dồn ra chợ. Thành phố đưa ra giải pháp phân chia tần suất đi chợ bằng phiếu, người dân hưởng ứng, nhờ đó lượng người đi chợ giảm hẳn.
Khi bệnh viện Hoà Vang, Bệnh viện Phổi quá tải bệnh nhân mắc Covid-19, các y, bác sĩ ở tuyến đầu đuối sức, lãnh đạo thành phố đã gửi thư đến Hải Phòng, Bình Định là những nơi chưa có dịch bệnh, kêu gọi các nhân viên y tế tình nguyện đến Đà Nẵng. May mắn là rất nhiều tỉnh, thành lên đường ngay. Dù số lượng y bác sĩ đến tương trợ không nhiều nhưng lại có giá trị rất lớn, động viên tinh thần cho các đồng nghiệp.
- Thời gian tới, thành phố làm gì để vừa phục hồi kinh tế, vừa không để xảy ra làn sóng Covid thứ ba?
- Phục hồi kinh tế là bài toàn khó của cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam hay Đà Nẵng. Đà Nẵng là thành phố du lịch. Du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng 65% GDP. Sau đợt dịch đầu tiên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng -3,26% sau 23 năm trực thuộc Trung ương.
Còn sau đợt dịch thứ hai, trước nhiều ý kiến cho rằng nên đóng cửa các nhà máy để đảm bảo việc chống dịch, tôi kiên quyết phản đối mà yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Nơi nào có ca nhiễm thì mới cách ly. Tuy vậy, kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Dự đoán hết năm nay GDP thành phố sẽ giảm 9%.
Thành phố đang tập trung những điều kiện cần thiết để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ - du lịch. Nhưng cũng không thể vừa mở cửa đón khách, vừa bấp bênh phòng, chống dịch. Chỉ khi Việt Nam kiểm soát tốt được dịch bệnh thì mới bảo đảm sản xuất kinh doanh, thu hút được đầu tư.
Chúng tôi cũng chuẩn bị những chính sách tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường môi trường thu hút đầu tư. Nhưng việc này chắc chắn cần thời gian vì các thị trường tiềm năng của Đà Nẵng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu cũng chưa phục hồi kinh tế và kiểm soát được dịch bệnh.
Tất cả các chính sách của Đà Nẵng lúc này là đảm bảo môi trường an toàn cho người dân, du khách. Vì chưa có vaccine, người dân, doanh nghiệp phải sẵn sàng tâm lý sống chung với dịch.
- Đà Nẵng rút ra bài học nào sau đợt dịch lần này?
- Đến nay các cơ sở y tế đã thiết lập đầy đủ quy trình khám chữa bệnh, sàng lọc lây nhiễm Covid-19 rất nghiêm ngặt. Nhưng chúng tôi thấy rằng việc chọn bệnh viện ở trung tâm làm nơi thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là không phù hợp, vì mật độ bệnh nhân rất đông. Bây giờ, nơi điều trị phải là những bệnh viện ở ngoại ô và đảm bảo trang thiết bị.
Đà Nẵng là thành phố du lịch có nhiều hoạt động giao lưu, từ đó nguy cơ lao động chui, nhập cảnh bất hợp pháp nhiều. Giữa tháng 7, thành phố phát hiện hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Công an sau đó đã siết chặt kỷ cương, hành động quyết liệt.
Nếu tương lai lọt một vài ca bệnh thì phải phát hiện được ngay trong chu kỳ đầu tiên. Để làm được điều này, hệ thống y tế phải phòng thủ chặt chẽ; phát hiện người có biểu hiện mắc Covid-19 sớm, từ khi họ đến cơ sở y tế đầu tiên. Khi đó việc khoanh vùng, truy vết và xử lý dịch sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều.
Sự hợp tác và ý thức cộng đồng mang tính quyết định cho thành công trong truy vết bệnh nhân. Do đó, phải tạo được niềm tin để người dân hợp tác, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Hơn 2.200 "Tổ chống Covid" cộng đồng được thành lập là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch.
Qua đợt dịch thứ hai, Đà Nẵng đã có được sự tự tin trong phòng, chống dịch, không để tái diễn tâm lý chủ quan, nhưng cũng không vì một vài ca bệnh nếu có mà mất bình tĩnh hoặc đưa ra những quyết định sai.
Trong đợt dịch thứ hai, Bộ Y tế ghi nhận tại Đà Nẵng có 389 người mắc Covid-19, trong đó 31 người tử vong, số còn lại đã được chữa khỏi. Thành phố có hơn 60 phong tỏa; 61 cơ sở cách ly tập trung cho gần 12.000 người tiếp xúc gần các ca bệnh; lập hai bệnh viện dã chiến.
Nguyễn Đông