VnExpress phỏng vấn bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng xung quanh việc xét nghiệm theo nhóm nêu trên.
- Một số ý kiến lo ngại phương pháp lấy mẫu theo nhóm có thể cho kết quả âm tính giả, vì nhiều mẫu trộn lẫn với nhau. Ông nói sao về điều này?
- Phương pháp xét nghiệm gộp (theo nhóm) được Đà Nẵng áp dụng từ ngày 5/8, tập trung vào lấy mẫu các khu dân cư xuất hiện ổ dịch và có các ca Covid-19, nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng. Còn những trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần (F1) vẫn được lấy mẫu xét nghiệm riêng.
Hình thức được chúng tôi áp dụng là cho những nhóm trong hộ gia đình hoặc khu dân cư, từ 5 người trở lại. Mỗi người sẽ được lấy dịch hầu họng hoặc dịch mũi cùng lúc, sau đó cho trực tiếp các mẫu vào một ống môi trường riêng và xét nghiệm. Nếu dương tính thì sẽ lấy riêng từng người để xét nghiệm lại. Còn nếu âm tính thì mỗi lần làm xét nghiệm đã loại bỏ được 5 người.
Nhiều người cứ nghĩ khi lấy mẫu 5 người thì mỗi người một ống, sau đó trộn 5 ống đó vào một để xét nghiệm. Phương pháp này dứt khoát chúng tôi không làm. Vì khi đó thể tích tăng lên gấp 5 lần, nồng độ virus nếu có trong đó sẽ bị pha loãng đi 5 lần, và nếu có dương tính nhẹ thì sẽ trở thành âm tính giả, từ đó bỏ sót những ca mắc nCoV.
- Thành phố đã trải qua 12 ngày dịch bùng phát trở lại, vì sao đến lúc này mới áp dụng phương pháp xét nghiệm theo nhóm?
- Từ đầu thời điểm phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, lãnh đạo thành phố cũng đã có ý kiến về việc xét nghiệm theo nhóm, nhưng không phải gộp cùng lúc như nêu trên mà phương pháp là trộn lẫn 5 mẫu vào để cùng xét nghiệm. Tôi là người nêu ý kiến không đồng tình vì nồng độ sẽ bị pha loãng, không đảm bảo chất lượng xét nghiệm.
Thời gian qua, chúng tôi trao đổi với các chuyên gia của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Nha Trang trực tiếp hỗ trợ Đà Nẵng làm xét nghiệm để tham khảo ý kiến, thẳng thắn nêu quan điểm là dù chỉ xét nghiệm những nhóm nhỏ nhưng tuyệt đối không trộn lẫn 5 ống mẫu để xét nghiệm một lần.
Thực tế, việc xét nghiệm theo nhóm đã được nhiều nước áp dụng rồi, ngay cả Vũ Hán của Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam ở Trung Quốc, Australia cũng đã tìm hiểu và trao đổi thông tin để CDC tham mưu cho lãnh đạo thành phố cân nhắc, đưa ra phương pháp phù hợp nhất trong lúc này.
Việc xét nghiệm theo nhóm sẽ giúp Đà Nẵng vừa tăng số lượng xét nghiệm, vừa tiết kiệm được hoá chất, vật tư... Bây giờ, ví dụ ở một ổ dịch trong cộng đồng cần xét nghiệm nhanh, thì chỉ một ngày xét nghiệm được 5.000 mẫu, chúng tôi đã có kết quả kịp thời cho 15.000 đến 20.000 người.
- Thành phố sẽ tiến tới xét nghiệm toàn dân từ phương pháp này?
- Xét nghiệm toàn dân chỉ có giá trị khi xét nghiệm cùng lúc, cùng một thời điểm. Hiện nay, mỗi ngày làm vài nghìn mẫu, tại một số khu vực dân cư, thì những người chưa được xét nghiệm hay ngay cả những người đã được lấy mẫu vẫn sẽ tiếp xúc với người khác, không tránh được nguy cơ lây nhiễm.
Với nguồn lực hiện tại, chúng tôi tập trung vào các ổ dịch, những khu vực có bệnh nhân F0 để lấy mẫu trong cộng đồng và khu dân cư xung quanh. Khó khăn lớn nhất hiện nay không phải là năng lực xét nghiệm, mà là nhân lực lấy mẫu quá ít vì nhiều cơ sở y tế đã bị cách ly, phong toả.
CDC Đà Nẵng đã mượn thêm 12 máy xét nghiệm Realtime PCR và hai máy tách chiết tự động, công suất hiện tại có thể đạt 10.000 mẫu mỗi ngày. Nhưng thực tế ngày cao nhất mới chỉ xét nghiệm được 5.000 mẫu, vì mẫu đưa về quá ít, có ngày chỉ 2.000. Do đó CDC không làm hết công suất máy.
3 cơ sở của Đà Nẵng được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm Covid-19, gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi và Bệnh viện 199. Nhưng với số lượng mẫu lấy được như hiện nay, thì phương pháp xét nghiệm mới đang gặp nhiều khó khăn. Ngành y tế thành phố phải huy động nhân viên từ các cơ sở y tế chưa cách ly, sinh viên y khoa và kêu gọi thêm các địa phương khác để có thêm nhân lực.
Số ca mắc mới ở Đà Nẵng chưa dừng lại những ngày qua, nhưng điều chúng tôi lo lắng là có bao nhiêu ca trong cộng đồng, còn những ca được phát hiện ở khu cách ly thì dễ xử lý. May mắn là vừa qua hơn 1.700 mẫu ở khu dân cư xung quanh ba bệnh viện bị phong toả không có ca mắc nCoV.
- Nhiều người cũng lo ngại với những ca xét nghiệm 2 - 3 lần âm tính nhưng sau đó vẫn dương tính?
- Ở thời điểm này xét nghiệm âm tính, hôm sau lại dương tính là bình thường. Vì khi xét nghiệm âm tính họ đang trong thời kỳ đầu bắt đầu nhiễm virus. Mà ở thời kỳ ủ bệnh thì chưa thể xét nghiệm ra kết quả dương tính. Thêm vào đó, người dân còn tiếp xúc với những người sau đó thì khó tránh khỏi rủi ro.
Khi làm phương án gộp nhóm, nếu người dân không có triệu chứng gì, mỗi người sẽ được xét nghiệm một lần thôi. Nhưng những người có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm thì vẫn phải cách ly, theo dõi trong vòng 14 ngày. Nếu có biểu hiện ho, sốt sẽ lấy mẫu lại.
- Nhiều nhân viên y tế ở Đà Nẵng đã kiệt sức trong nỗ lực chống Covid-19, ở CDC Đà Nẵng đang như thế nào?
- Đà Nẵng đã có hơn 10 nhân viên y tế mắc nCoV, hàng nghìn y bác sĩ ở tuyến đầu đang phải căng sức mình chống dịch gần hai tuần qua. CDC chưa có mắc nCOV. 60 nhân viên tham gia làm xét nghiệm đang phải làm việc gần như 24/24, nhiều bộ phận làm xuyên đêm.
Nếu dịch được khống chế trong thời gian ngắn thì chúng tôi có thể gồng được; còn nếu kéo dài, rất lo lắng cho đội ngũ y tế hiện có. Chúng tôi đang rà soát, huy động thêm nhân lực, máy móc để nhân viên có thể làm từ 7h sáng đến 19h, còn lại phải dành thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khoẻ và phòng làm việc được khử khuẩn.
Bây giờ chúng ta chưa tìm ra nguồn lây ở Đà Nẵng, nên ổ dịch có thể còn âm ỉ trong cộng đồng. Mong muốn của chúng tôi là cộng đồng cùng chung tay. Người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không tập trung nơi đông người thì sẽ cắt đứt được nguồn lây.
Ngoài ra, nhiều người có thể bị nhiễm nguồn bệnh, nhưng nếu sức đề kháng tốt, ít bệnh nền, thực hiện cách ly sau 14 ngày cơ thể sẽ đào thải hết virus và không lây cho ai nữa. Người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch là chung tay và đẩy lùi được Covid-19.
Nguyễn Đông