Ngày 21/12, phiên xét xử cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng)... về các sai phạm liên quan đến quyền thu phí cao tốc Trung Lương, thiệt hại 725 tỷ đồng, tiếp tục với phần tranh luận.
Sau khi các luật sư của mình đối đáp với những cáo buộc của VKS, ông Thăng cũng đề nghị được tranh luận. Để tập tài liệu trên bàn, hai tay cựu bộ trưởng nắm lấy nhau, giọng rành rọt.
Với lập luận của VKS cho rằng nếu Tổng Công ty Cửu Long (đơn vị quản lý cao tốc Trung Lương, thuộc Bộ GTVT) không bán quyền thu phí thì tài sản vẫn thuộc quyền của Nhà nước, ông Thăng đồng ý.
Về việc xác định "thiệt hại 725 tỷ đồng của Nhà nước" trong vụ án này, ông Thăng cho rằng VKS trích dẫn rất nhiều văn bản nhưng đã nhầm lẫn về quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản. Với dự án chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc Trung Lương, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc Nhà nước. Nhưng ở đây không có sự chuyển quyền sở hữu tài sản mà chỉ chuyển quyền được thu phí trong 5 năm.
"Như vậy tiền thu phí trong 5 năm thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư trúng đấu giá chứ không thể xem là tài sản Nhà nước. Cần thiết đề nghị HĐXX trưng cầu giám định số tiền này là của ai", ông Thăng nói.
Chủ tọa đề nghị ông Thăng chỉ nói những vấn đề chưa đề cập, không lặp lại các nội dung đã trình bày trước đó. Ông Thăng đồng ý, im lặng một lúc.
Cựu bộ trưởng giãi bày, khi Bộ GTVT làm dự án chuyển giao quyền thu phí cao tốc Trung Lương là thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao. Thay vì để Tổng Công ty Cửu Long thu tiền lẻ hàng ngày thì đại diện Bộ GTVT thu một lần. "Dự án này Ngân hàng BIDV không bán được mới trả lại cho Chính phủ. Chính phủ sau đó giao cho Bộ GTVT chứ không phải miếng béo bở mà chúng tôi tranh giành", ông Thăng nói.
Ông Thăng cho biết quá trình thực hiện dự án có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, đối nghịch nhau, có văn bản chưa có hướng dẫn. Bộ GTVT không thể chờ đầy đủ văn bản mới thực hiện mà phải hoạt động. Do đó, ngoài các văn bản đã có, trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT bằng văn bản cá biệt đã xin hướng dẫn và ý kiến của Bộ Tài chính.
"Tại tòa, Bộ Tài chính trả lời Bộ GTVT thực hiện đúng theo hướng dẫn. Do đó, VKS cáo buộc Bộ GTVT làm sai là không đúng. Tôi trình bày ở đây không chỉ cho tôi mà còn cho những người trong Bộ GTVT và các bộ ngành khác cần biết, rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc của mình", ông Thăng nói.
Về cáo buộc quen biết ông Hệ dẫn tới việc các bị cáo ở Bộ GTVT và Tổng Công ty Cửu Long cố ý làm trái, ông Thăng nói to, hướng mặt về các bị cáo ở hai băng ghế bên cạnh: "Đề nghị VKS chỉ cụ thể ai trong số các bị cáo ở đây là người biết mối quan hệ đó, chịu tác động của tôi để cố ý làm trái các văn bản pháp luật?".
Cựu bộ trưởng nói thêm rằng, các cán bộ đã nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao. Nếu có sai sót thì là sai sót về chứng từ thủ tục, không gây ra hậu quả, không thất thoát trong vụ án này. "Mong HĐXX xem xét khách quan. Tôi biết rất khó để VKS thay đổi cáo buộc của mình, nhưng tôi cần sự thật khách quan để cho những người bị cáo buộc phải tâm phục khẩu phục. Tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm cáo buộc của VKS nhưng tôi hoàn toàn bác bỏ cáo buộc đó", ông Thăng kết thúc phần tranh luận.
Trước đó, các luật sư bảo vệ ông Thăng cho rằng những lập luận của VKS đối với thân chủ mình là đang áp dụng "nguyên tắc suy đoán có tội". Các dẫn chứng cơ quan công tố đưa ra không thể chứng minh ông Thăng và Hệ quen thân nhau. Những lời khai mà VKS trích dẫn của chính ông Thăng và những nhân chứng (nguyên thư ký, thư ký của bị cáo) không phù hợp với thời gian triển khai dự án chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Cuối năm 2013 ông Thăng mới biết Hệ và có những cuộc điện thoại qua lại. VKS có đặt câu hỏi về 22 cuộc điện thoại giữa ông Thăng và Hệ, song luật sư đề nghị: "VKS nếu chứng minh được các cuộc gọi này có nội dung ông Thăng chỉ đạo, tác động để Hệ được nhận dự án thu phí thì mới là căn cứ buộc tội".
Riêng luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị đại diện VKS không dùng từ "ngoan cố" với thân chủ và các bị cáo. Theo quy định của pháp luật, bị cáo có quyền đưa ra những lập luận để bào chữa cho mình. Do đó, việc họ chứng minh mình không có tội không được xem là ngoan cố và không bị xem là tình tiết tăng nặng khi lượng hình.
Về cáo buộc trách nhiệm hình sự đối với ông Thăng trong vụ án này, luật sư Nghĩa bác bỏ toàn bộ quan điểm của VKS. Diễn giải cho điều này, luật sư nói: "Giống như việc các vụ tại nạn chết người do phóng nhanh, vượt ẩu thì không thể buộc trách nhiệm cho người xây đường cao tốc".
Chiều nay tòa tiếp tục xét xử.
Ông Thăng bị cáo buộc đã "phớt lờ" các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, thuộc Bộ GTVT, quản lý cao tốc) tạo điều kiện cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí với giá 2.004 tỷ đồng. Sai phạm của cựu bộ trưởng và các cấp dưới đã giúp Hệ khi thu phí chiếm đoạt 725 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, ông Thăng nhiều lần căng thẳng khi phủ nhận quen biết Hệ, không gọi điện tác động cấp dưới để doanh nghiệp của ông này trúng đấu giá, đã giao nhiệm vụ cho thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nên không có trách nhiệm với thiệt hại của vụ án. Cựu thượng tá quân đội cũng khẳng định không quen biết Bộ trưởng GTVT trước khi tham gia đấu giá, không nhờ vả ông Thăng.
Dương Trang - Hữu Khoa