"Tôi đã nói với ông ấy đây không phải lời đe dọa, mà là sự quan sát. Từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, 600 tập đoàn Mỹ đã rút khỏi Nga", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời phỏng vấn CNN ngày 7/7, đề cập đến nội dung cuộc trao đổi giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Tôi nói với ông Tập hãy cẩn trọng, bởi ông ấy từng nói với tôi rằng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào đầu tư từ châu Âu và Mỹ", Tổng thống Mỹ nói thêm.
Cảnh báo được Tổng thống Mỹ đưa ra khi thảo luận với ông Tập sau cuộc gặp hồi tháng 3 giữa ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, trong đó hai bên ca ngợi tình hữu nghị song phương và chỉ trích phương Tây.
Khi được hỏi về phản ứng của ông Tập về lời cảnh báo, ông Biden nói lãnh đạo Trung Quốc "lắng nghe và không tranh luận".
"Nếu để ý, mọi người sẽ thấy ông ấy không hoàn toàn tập trung vào Nga. Vì vậy tôi nghĩ có cách để chúng ta có thể giải quyết vấn đề này", Tổng thống Mỹ nói thêm, nhưng không tiết lộ cụ thể cuộc trao đổi giữa ông và ông Tập diễn ra vào ngày nào.
Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng những năm gần đây do các vấn đề an ninh quốc gia, chiến sự Ukraine, lệnh cấm của Mỹ về xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang thăm Bắc Kinh, kêu gọi cải cách thị trường ở Trung Quốc và chỉ trích hành động cứng rắn gần đây của Bắc Kinh đối với các công ty Mỹ.
Bất chấp những đánh giá cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời nhau, dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ - Trung vẫn có mối liên hệ sâu sắc, với thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 690 tỷ USD vào năm ngoái.
Mỹ gần đây đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhau sau hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tại New Delhi, Ấn Độ hoặc hội nghị APEC vào tháng 11 tại San Francisco, Mỹ.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng tình với ông Tập rằng cạnh tranh giữa hai cường quốc không nên biến thành xung đột. Đặc phái viên về khí hậu của ông Biden, John Kerry, dự kiến đến Trung Quốc cuối tháng này và Bộ Tài chính Mỹ tin rằng tài chính khí hậu là lĩnh vực Bắc Kinh và Washington có thể hợp tác.
Huyền Lê (Theo Reuters)