"Khi đạo luật này được thực thi, chính quyền của tôi sẽ giải mật và chia sẻ dữ liệu nhiều hết mức, trong khi vẫn tuân thủ những quy tắc nhằm ngăn chặn tiết lộ những thông tin có thể đe dọa an ninh quốc gia", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong thông cáo hôm 20/3, sau khi ông ký thông qua đạo luật yêu cầu giải mật các thông tin liên quan đến nguồn gốc nCoV và Covid-19.
Tổng thống Biden nói rằng ông đã chỉ đạo cộng đồng tình báo sử dụng mọi công cụ sẵn có để điều tra nguồn gốc Covid-19 kể từ năm 2021, không lâu sau khi lên nắm quyền. "Chúng ta cần đi đến cùng để tìm nguồn gốc Covid-19, trong đó có xem xét liên hệ tiềm tàng đến Viện Virus học Vũ Hán", thông cáo có đoạn.
Đạo luật trước đó được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua mà không gặp sự phản đối.
Giới chức Mỹ từng đề cập nhiều giả thuyết về nguồn gốc đại dịch Covid-19 kể từ khi những trường hợp mắc nCoV đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng 12/2019.
Đề tài nóng trở lại cuối tháng trước khi Wall Street Journal đưa tin Bộ Năng lượng Mỹ, cơ quan quản lý nhiều cơ sở nghiên cứu sinh học, đã trình báo cáo mật cho rằng nCoV có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng không liên quan đến chương trình vũ khí.
Thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ được coi là quan trọng, dù cơ quan này tuyên bố họ có mức độ "tự tin thấp" với nhận định. Đây cũng là thay đổi đáng kể trong quan điểm của Bộ Năng lượng Mỹ về nguồn gốc nCoV. Cơ quan này trước đây không nghiêng về giả thuyết nào.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đi đến kết luận với "mức độ tự tin vừa phải" vào năm 2021 rằng đại dịch Covid-19 có thể là kết quả từ sự cố rò rỉ phòng thí nghiệm. Giám đốc FBI Christopher Wray cuối tháng 2 khẳng định họ vẫn giữ quan điểm này.
Bốn cơ quan tình báo khác và Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, cơ quan tiến hành phân tích chiến lược dài hạn, vẫn ủng hộ giả thuyết nCoV lây từ động vật sang người, dù với "mức độ tự tin thấp".
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chưa quyết định nguồn gốc Covid-19 là rò rỉ phòng thí nghiệm hay lây nhiễm tự nhiên, nhưng cho rằng nCoV không phải một phần trong chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối kết luận rằng Covid-19 có thể bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm của họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/2 bác bỏ kết luận của Bộ Năng lượng Mỹ, yêu cầu Washington "ngừng bôi nhọ" và "chính trị hóa nguồn gốc Covid-19".
Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ vào đầu năm 2020. Kể từ đó, nó đã khiến gần 7 triệu người chết trên toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vũ Anh (Theo Reuters)