"Mỹ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong thông cáo hôm 24/8 khi công bố gói viện trợ quân sự ba tỷ USD cho Ukraine, khoản hỗ trợ cao nhất trong 6 tháng chiến sự.
Lầu Năm Góc thông báo đợt viện trợ mới sẽ bao gồm 6 hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, 24 radar phản pháo, máy bay không người lái (UAV) Puma, hệ thống chống UAV mang tên Vampire và 310.000 viên đạn pháo.
Gói viện trợ sẽ dùng ngân sách từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nguồn tiền được quốc hội Mỹ phân bổ để chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào tình trạng dây chuyền chế tạo vũ khí, năng lực xuất xưởng và khả năng điều chỉnh thời gian biểu của nhà sản xuất.
Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói rằng mỗi khí tài sẽ có thời hạn bàn giao khác nhau, trong đó lâu nhất là hệ thống phòng không và radar. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl nói rằng một số khí tài có thể mất từ 1-3 năm để đến tay Ukraine.
"Gói viện trợ này nhằm bảo đảm nhu cầu của Ukraine trong giai đoạn trung và dài hạn, nó không liên quan đến những cuộc giao tranh trong hôm nay, ngày mai hay một tuần tới. Nó sẽ có tác động đến khả năng phòng thủ của Ukraine trong một đến hai năm tới", Thứ trưởng Kalh nói.
Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, so với khoảng hai tỷ USD trong giai đoạn 2014-2021.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 6 tháng chiến sự, Nga gần như không còn duy trì đà tiến công trên chiến trường, mà chủ yếu củng cố phòng thủ tại các vùng lãnh thổ đã chiếm được ở miền đông và miền nam Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 24/8 nói rằng Moskva cố ý giảm tốc độ tiến quân ở Ukraine nhằm hạn chế tối đa thương vong dân thường. Trong khi đó, quân đội Ukraine tăng cường tập kích bằng các vũ khí do phương Tây viện trợ, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch phản công ở miền nam.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự đã chuyển sang giai đoạn tiêu hao ở vùng miền đông Donbass và tỉnh Kherson, nơi hai bên đều đang trong tình thế giằng co và không đạt được lợi thế đáng kể.
Vũ Anh (Theo Reuters)