Cựu tổng thống Donald Trump dự kiến trình diện tòa án liên bang ở Miami vào 15h ngày 13/6 (2h ngày 14/6 giờ Hà Nội) để nghe cáo trạng do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra trong vụ truy tố về cách ông xử lý tài liệu mật. Với cáo buộc này, ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố cấp liên bang.
Từ khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng ngày 9/6, Tổng thống Joe Biden luôn cố gắng tránh xa vấn đề và không đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến người tiền nhiệm. Giới quan sát cho rằng sự im lặng của ông Biden là một tính toán mang tính chiến lược, khi bất cứ sơ sẩy nào đều có thể ảnh hưởng tới cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
"Nói bất kỳ điều gì, hay thậm chí bày tỏ sự quan tâm về số phận chính trị của người tiền nhiệm có thể khiến ông Biden đổ thêm dầu vào ngọn lửa vốn đang cháy trong các đảng viên Cộng hòa, những người tin vào thuyết âm mưu của Trump rằng ông là nạn nhân của một cuộc đàn áp", Sebastian Smith, nhà phân tích của AFP, cho hay.
Do đó, màn hình tivi trên Không lực Một trong chuyến đi của ông Biden đến Bắc Carolina ngày 9/6 đã chuyển sang kênh chuyên về golf, thay vì phát bản tin của CNN như thường lệ, nơi tràn ngập hình ảnh về bản cáo trạng được Bộ Tư pháp Mỹ công bố hôm đó.
Khi được các phóng viên trên chuyến bay hỏi về bê bối của cựu tổng thống, câu trả lời của ông Biden là "không bình luận". Ông cũng nhắc lại rằng "tôi không bình luận về vấn đề này" khi phóng viên hỏi liệu ông có nói chuyện với Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, người sẽ giám sát vụ truy tố Trump, hay không.
Theo thông lệ, Bộ Tư pháp Mỹ hoạt động độc lập với Nhà Trắng. Người chịu trách nhiệm trực tiếp tiến hành vụ truy tố Trump là Jack Smith, công tố viên đặc biệt được Bộ Tư pháp chỉ định.
Song ở nước Mỹ thời kỳ sau nhiệm kỳ của ông Trump, sự tách bạch của Bộ Tư pháp với chính trị không có nhiều ý nghĩa. Đảng Cộng hòa và Dân chủ từ lâu đã nghi kỵ lẫn nhau, đồng thời ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố cuộc bầu cử mà ông Biden chiến thắng năm 2020 là gian lận.
Do đó, việc Tổng thống Biden chọn chiến lược tránh xa rắc rối pháp lý của Trump, người mà ông có thể sẽ phải đánh bại để giành được nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới, được đánh giá là lựa chọn hợp lý.
"Tôi nghĩ cách xử lý vấn đề của Tổng thống Biden đến nay hoàn toàn phù hợp", Carl Tobias, giáo sư luật tại Đại học Richmond, nói. "Công tố viên đặc biệt Smith không liên hệ với ông Garland và Tổng thống Biden kể từ khi được bổ nhiệm. Tổng thống Biden nên tiếp tục giữ vững lập trường không bình luận công khai về sự việc. Là Tổng thống, ông ấy nên để nhiệm vụ đó cho người khác và để công tố viên đặc biệt thụ lý".
Một vấn đề với chiến lược im lặng của Tổng thống Biden là ông đôi khi có xu hướng nói những điều mà nhiều người, đặc biệt là nhân viên của ông, nghĩ rằng không nên.
Năm ngoái, ông Biden từng lỡ miệng khi bình luận về Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc chiến ở Ukraine, nói rằng "người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền". Nhà Trắng sau đó phải lên tiếng giải thích rằng chính sách của Mỹ không phải là loại bỏ ông Putin.
Sau đó, ông Biden đã có một số lần đi xa hơn với những tuyên bố công khai rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, cho rằng Bắc Kinh không có quyền giành hòn đảo bằng vũ lực. Nhà Trắng sau đó phải nhanh chóng làm rõ rằng Mỹ không thay đổi chính sách và sự "mơ hồ chiến lược" trong vấn đề Đài Loan.
Mỹ từ lâu đã áp dụng chính sách "mơ hồ chiến lược", trong đó Washington giúp xây dựng năng lực tự vệ cho Đài Loan nhưng không hứa hẹn bảo vệ hòn đảo bằng biện pháp quân sự, nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh.
Duy trì im lặng trong bê bối của Trump có thể trở nên khó khăn hơn với Tổng thống Biden khi chiến dịch tranh cử tăng nhiệt. Đảng Cộng hòa có thể đối mặt cuộc chiến pháp lý vào mùa bầu cử năm tới, khiến chủ đề dường như không thể tránh né, đặc biệt khi ông Trump biến vụ kiện thành công cụ cáo buộc Nhà Trắng "lạm dụng quyền lực".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 12/6 nói rằng Tổng thống Biden đã "khôi phục tính toàn vẹn của Bộ Tư pháp" kể từ khi ông tiếp quản nhà Trắng vào năm 2021.
"Điều này rất quan trọng. Nó cho thấy Tổng thống muốn đảm bảo và chứng minh rằng Bộ Tư pháp thực sự hoạt động độc lập", bà nói.
Lara Brown, nhà khoa học chính trị kiêm tác giả một cuốn sách về nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, nói rằng ông Biden không nên bị lôi kéo vào một cuộc tranh luận vô ích với ông Trump.
"Không có lợi gì khi ông ấy công khai nói về vấn đề này. Quá trình pháp lý sẽ diễn ra trong nhiều tháng tới và kết quả sẽ rõ ràng sau khi nó kết thúc", Brown nói.
Chuyên gia này thêm rằng những người ủng hộ ông Trump không thích và không tin tưởng Tổng thống Biden, thậm chí nhiều người tới giờ vẫn tin vào tuyên bố của Trump rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã "bị đánh cắp".
"Không riêng Tổng thống Biden, bất kỳ thành viên Dân chủ nào cũng không thể thuyết phục những người đó rằng Bộ Tư pháp đang hành động vì lợi ích của pháp quyền và người dân Mỹ", bà nói.
Thanh Tâm (Theo AFP)