"Không", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 30/1 khi được hỏi liệu ông có ủng hộ phương án chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine hay không.
Giới chức Ukraine gần đây liên tục đề cập khả năng tiếp nhận tiêm kích phương Tây, trong đó có F-16, sau khi Mỹ cùng đồng minh quyết định cung cấp hơn 300 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams và Leopard 2, đi ngược lại những tuyên bố trước đó vài tháng.
Truyền thông phương Tây hôm 27/1 dẫn lời phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat cho rằng F-16 có thể là lựa chọn tốt nhất để thay thế tiêm kích thời Liên Xô trong biên chế Ukraine hiện nay và Kiev đang tìm cách sở hữu hai phi đoàn với tổng cộng 24 máy bay.
Tuy nhiên, quan chức Ukraine sau đó cho rằng phát biểu của ông đã bị diễn giải nhầm, nhấn mạnh các quốc gia đối tác không hài lòng với những lời đồn đoán công khai.
"Ukraine đang trong giai đoạn đàm phán về máy bay. Chủng loại và số lượng chưa được quyết định. Chúng tôi không đưa ra thông cáo nào. Những phát biểu như vậy có tác động rất tiêu cực. Thông tin rất nhạy cảm và các đối tác không thích các tuyên bố viển vông được công bố", phát ngôn viên Ignat nói.
Mỹ và các nước châu Âu chưa chuyển tiêm kích cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang chiến sự, dù họ nhiều lần phá rào để viện trợ vũ khí hạng nặng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 27/1 bác khả năng chuyển tiêm kích cho Ukraine do đây là vũ khí phức tạp hơn xe tăng chủ lực, cũng như có tầm hoạt động và hỏa lực khác hoàn toàn.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer cho biết Washington sẽ thảo luận về ý tưởng viện trợ tiêm kích "một cách rất cẩn thận" với Kiev và đồng minh. Giới chức Mỹ tuyên bố F-16 là tiêm kích phức tạp, phi công cần học lái trong nhiều tháng và yêu cầu bảo trì lớn, điều khó thực hiện tại Ukraine trong lúc chiến sự diễn ra.
Vũ Anh (Theo Reuters)