Tỷ lệ sinh thấp là một vấn đề đang gây nhức đầu cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Đông Á. Đã có nhiều nghiên cứu về việc vì sao phụ nữ ngày nay không sinh con hay sinh ít con. Tuy vậy, có rất ít các nghiên cứu về việc vì sao phụ nữ quyết định sinh con. Gần đây, ở Mỹ đã có một nghiên cứu như vậy.
Kết quả gây ra nhiều ngạc nhiên, khi mà yếu tố hàng đầu khiến một phụ nữ sinh con là liệu mẹ của họ có khả năng giúp đỡ họ trong việc nuôi con hay không. Ngay cả khi mẹ chồng của họ chấp nhận giúp đỡ thì khả năng sinh con của một người phụ nữ cũng tăng lên.
Nếu nhìn sâu hơn một chút thì nghiên cứu này cũng giải thích được vì sao các đô thị lớn lại có tỷ suất sinh thấp hơn hẳn vùng nông thôn. Các thành phố lớn là nơi người trẻ đổ về để tìm kiếm cơ hội, để lại cha mẹ ở nông thôn. Không lâu sau khi tới thành phố thì họ sẽ tới tuổi kết hôn sinh con. Cha mẹ thì ở quê, sinh con ra không ai phụ giúp nên nhiều người ngần ngừ việc sinh con.
Việc nuôi con khá tốn kém nhưng các chi phí này sẽ được giảm nhiều nếu ông bà có thể chăm cháu. Trước tuổi lên ba thì các cháu không có ông bà trông coi, cha mẹ phải đi làm chỉ còn cách gửi con, với một giá khá cao. Buổi tối về con nhỏ mè nheo khóc lóc buổi tối, cha mẹ khó nghỉ ngơi. Có ông bà - còn có người thức đêm giúp đỡ, không thì sáng ra cha mẹ mệt mỏi, năng suất làm việc cũng giảm sút.
Khi con tới trường, cần người đưa đón, buổi tối con về nhà mà cha mẹ chưa về tới nhà thì ai trông coi? Ông bà mà trông coi được thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Chi phí nuôi con cao sẽ được giảm bớt nếu ông bà trông cháu.
Người ta nói nhiều về việc các cháu cấp một phải học thêm tới tối mịt, không thể vui chơi. Có một vấn đề ẩn trong đó, là các cháu học buổi chính khóa xong thì cha mẹ vẫn còn ở chỗ làm. Giáo viên trên lớp tổ chức dạy thêm là cách nhanh chóng nhất để giải quyết việc ai sẽ trông trẻ.
Tuy vậy, ngoài việc tốn kém ra thì việc dạy thêm các trẻ cấp một cũng kéo thêm nhiều tiêu cực mà dư luận đã nói nhiều. Vấn đề này cũng sẽ giảm bớt nếu có người trông trẻ sau giờ học.
Xu hướng ông bà không chịu trông cháu ngày càng phổ biến. Trong nhiều trường hợp thì do các nguyên nhân khách quan mà việc sống xa ông bà là phổ biến nhất.
Các nguyên nhân chủ quan, mà phần lớn là do quan điểm thay đổi của ông bà, cũng như quan điểm "con ai nấy nuôi", đã đẩy phụ nữ vào thế bị động. Ngoài ra, việc phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi cũng đồng nghĩa với việc ông bà đã già yếu, khả năng giúp đỡ cũng giảm sút.
Những người phụ nữ trong hoàn cảnh này có thể chọn con đường dễ dàng nhất, là không sinh con hay chỉ sinh một con. Ở các thành phố lớn, cho dù kinh tế có phát triển nhưng không có ông bà thì chi phí nuôi con lại quá lớn, ít ai kham nổi.
Chìa khóa giúp tăng tỷ lệ sinh có lẽ nằm ở chỗ cần phải tạo điều kiện và kêu gọi ông bà chăm cháu. Điều này rất khó khăn, nhưng thực tế là các biện pháp khác cho tới nay cũng không phát sinh hiệu quả mấy.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.