"Chúng tôi tìm thấy biến chủng Omicron trong hai mẫu xét nghiệm lấy vào ngày 19/11 và 23/11. Vẫn chưa rõ liệu những người này có đến thăm Nam Phi hay không", Bộ Y tế Hà Lan cho biết. Các mẫu thử được giải trình tự gene ở Viện Nghiên cứu RIVM.
Đây là bằng chứng cho thấy biến chủng đã đến châu Âu sớm hơn những gì được biết. Trước đó, theo cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID, các ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Nam Phi được lấy mẫu hôm 9/11, là hai người đàn ông ở Johannesburg. Đến 11/11, biến chủng lan sang Botswana. Tới ngày 26/11, Nam Phi mới phát cảnh báo về Omicron.
Hiện các chương trình giải trình tự gene hàng đầu thế giới cũng chỉ có thể đánh giá một phần trong số nhiều ca dương tính đã phát hiện. Nam Phi chỉ giải trình tự gene của 1% các mẫu bệnh phẩm thu thập được, trong khi tại Mỹ, con số là 3,6%. Không quốc gia nào ở châu Phi giải mã quá 5.000 mẫu gene virus.
Theo kết quả trình tự gene, Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó, 30 đột biến nằm ở protein gai trên bề mặt virus. Đây là phần vaccine nhắm đến, huấn luyện hệ miễn dịch cơ thể người nhận diện và tấn công virus.
Theo cơ quan y tế công cộng Liên minh châu Âu, tính đến ngày 30/11, Omicron đã lan đến 20 quốc gia, 13 trong số đó thuộc EU. Hong Kong, Thuỵ Điển, Israel, Anh, Italy, Canada, Bỉ và Hà Lan đều ráo riết truy tìm các ca nhiễm đầu tiên thông qua các mẫu bệnh phẩm thu thập trong khoảng thời gian trước khi Nam Phi báo cáo.
Bộ Y tế tối 28/11 cho biết Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với chủng Omicron, song đề xuất Chính phủ dừng các chuyến bay đến, hay về từ nam châu Phi. Hệ thống giám sát dịch tại Việt Nam tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
EU, Anh và Mỹ đã nhanh chóng áp đặt nhiều hạn chế đi lại đối với các nước Nam Phi. Giới chức nước này cho rằng lệnh cấm du lịch là không cần thiết, ví động thái đó với "sự trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiên tiến và khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh chóng".
Các nhà khoa học còn nhiều tranh cãi xung quanh biến chủng Omicron. Một số người cho rằng virus có thể lây lan nhanh hơn, né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine. Số khác nhận định biến chủng đang bị thổi phồng.
Thục Linh (Theo WSJ)