Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã xếp Omicron là ‘biến chủng đáng lo ngại', chỉ vài ngày sau khi nó được phát hiện ở Nam Phi. Cơ quan đang phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu toàn cầu để hiểu rõ ảnh hưởng của Omicron đến đại dịch, dự kiến công bố kết quả trong vài ngày đến vài tuần tới.
Về khả năng giảm hiệu quả vaccine của Omicron, giới chuyên gia chia thành hai luồng ý kiến.
Một số người cho rằng vaccine sẽ kém hiệu quả so với biến chủng. "Dựa trên các nghiên cứu trước đây với các biến chủng và đột biến khác, chúng tôi khá tin tưởng rằng Omicron sẽ khiến nồng độ kháng thể trung hòa từ vaccine sụt giảm đáng kể", tiến sĩ Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, nhận định.
30 đột biến của Omicron nằm ở protein gai trên bề mặt virus. Đây là phần vaccine nhắm đến, huấn luyện hệ miễn dịch cơ thể người nhận diện và tấn công.
Từ ngày 26/11, nhiều hãng dược chủ động nghiên cứu biến chủng mới, xem xét tác động của nó lên vaccine, cho biết việc phát triển lô hàng thử nghiệm mới có thể mất vài tuần.
Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna cho biết vaccine hiện tại giảm hiệu quả trước Omicron so với các biến chủng trước đây. Moderna đang thử nghiệm hiệu quả của liều vaccine tăng cường với biến chủng này. Pfizer tuyên bố nếu biến chủng có khả năng trốn thoát miễn dịch, hãng sẽ phát triển vaccine thế hệ tiếp theo trong khoảng 100 ngày.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng cộng đồng không nên quá hoang mang, vaccine hiện tại vẫn có tác dụng và không cần sản xuất thế hệ mới. Ngày 30/11, Đại học Oxford của Anh cho biết chưa có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện nay không thể bảo vệ người nhiễm biến chủng Omicron trở bệnh nặng.
Trước đó, hôm 29/11, giáo sư Salim Abdool Karim, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Nam Phi, nhận định vaccine vẫn hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong từ biến chủng Omicron.
"Dựa trên những hiểu biết về cách biến chủng đáng lo ngại trước đó phản ứng với vaccine, chúng tôi cho rằng vaccine vẫn hiệu quả cao, có khả năng bảo vệ mạnh mẽ", ông Karim, nói.
William Hanage, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết: "Điều này có thể tồi tệ, nhưng chúng ta chưa đủ kiến thức để kết luận về tác động của nó trong tương lai".
Ông Hanage giải thích vaccine không chỉ kích thích kháng thể mà còn sản sinh các tế bào miễn dịch đặc trị, tấn công trực tiếp tế bào nhiễm bệnh. Các đột biến ở protein virus không làm giảm phản ứng của những tế bào này. Ngăn ngừa triệu chứng nặng là nhiệm vụ của tế bào T (tế bào miễn dịch), khác với khả năng bảo vệ người dùng khỏi lây nhiễm ban đầu của kháng thể.
"Ngay cả khi virus có thể trốn tránh miễn dịch, rất khó để thoát khỏi tế bào T", ông Karim nói.
Với Delta, vaccine hiện vẫn hiệu quả, ngăn ngừa được các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng và giảm nguy cơ tử vong. David Kennedy, chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Penn State, cho rằng điều tương tự cũng có thể xảy ra với Omicron. "Có khả năng chúng ta không cần cập nhật phiên bản vaccine mới", ông nói.
Trong lịch sử y khoa, virus tiến hóa hiếm khi ảnh hưởng quá nhiều tới các chiến dịch tiêm phòng. Với Omicron, các nhà khoa học cần thu thập dữ liệu về số ca nhiễm nCoV nghiêm trọng ở người đã chủng ngừa. Đây là yếu tố quyết định liệu có nên điều chỉnh vaccine hay không.
Về độc lực của biến chủng, các chuyên gia cũng có ý kiến khác nhau.
Theo dữ liệu chính thức, số ca nhập viện ở tỉnh Gauteng, nơi Omicron lần đầu xuất hiện đã tăng 330% trong hai tuần qua. Toàn tỉnh ghi nhận 580 ca nhập viện vì virus, cao đột biến so với con số 135 ca của hai tuần trước đó.
Theo WHO, tỷ lệ nhập viện hàng ngày ở Nam Phi tăng, song điều này có thể do tổng số ca nhiễm tăng lên nói chung, chứ không phải do Omicron độc lực mạnh hơn. Hiện chưa có thông tin cho thấy triệu chứng mắc biến chủng mới khác với trước đó.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee cho biết người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng không đáng lo ngại và vấn đề đang bị thổi phồng. "Biến chủng gây bệnh nhẹ với các triệu chứng như nhức cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày", ông nói.
Bệnh nhân ở Nam Phi không bị mất vị giác và khứu giác, chỉ ho nhẹ, ngoài ra không có vấn đề quá nghiêm trọng. Nhiều người có thể điều trị tại nhà. Các bệnh viện ở Nam Phi cũng chưa bị quá tải, biến chủng mới ít lây lan cho những người chưa tiêm chủng.
"Chúng tôi sẽ có thông tin cụ thể hơn sau hai tuần. Đúng, virus lan nhanh, nhưng với tư cách là người làm ngành y, tôi không hiểu tại sao mọi thứ bị thổi phồng đến vậy trong khi chúng tôi vẫn đang nghiên cứu về nó", Coetzee nói.
Về tốc độ lây truyền, giới chuyên gia hầu như đồng quan điểm Omicron lan nhanh hơn các biến chủng trước đó.
Số người xét nghiệm dương tính virus ở Nam Phi đã tăng lên kể từ khi biến chủng xuất hiện. Trong bản cập nhật với 194 nước thành viên, WHO nhận định "khả năng Omicron lây lan ở cấp độ toàn cầu là rất cao". Biến chủng có 26 đến 32 đột biến ở vùng protein gai, một số có tiềm năng truyền tải nhanh hơn.
"Dựa vào những đặc điểm này, số ca Covid-19 có thể cao hơn trong tương lai, gây ra hậu quả nghiêm trọng tùy theo vị trí địa lý", WHO nêu rõ.
Trong khi đó, phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Bambino Gesu, Italy, diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18. Hiện chưa có ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học về hình minh họa trên của nhóm nghiên cứu Bambino Gesu.
Biến chủng cũng chứa tới hai đột biến là P681H và N679K ở vị trí phân cắt furin (vị trí giúp virus thuận lợi xâm nhập vào tế bào). Đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận hai đột biến này trong biến chủng duy nhất.
Thục Linh (Theo CNBC, NY Times)