Nếu có thêm nhiều công trình cho kết quả tương tự, giới chuyên gia nhận định kịch bản tương lai đại dịch sẽ ít thảm khốc hơn. Omicron có thể là loại "vaccine tự nhiên" đẩy lùi làn sóng Delta và nhiều biến chủng trước đó.
Trong thời gian ngắn, Omicron có thể khiến số ca nhiễm nCoV gia tăng, gây áp lực lên nền kinh tế và hệ thống y tế toàn cầu. Nhưng về lâu dài, khi Omicron là chủng trội, thế giới sẽ ghi nhận ít ca nhập viện hơn so với viễn cảnh Delta hoành hành.
Alex Sigal, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Durban, tác giả nghiên cứu mới cho biết: "Omicron có khả năng đánh bại Delta. Đây là điều tốt, bởi chúng ta đang cần thứ gì đó để chung sống dễ dàng, ít làm gián đoạn cuộc sống hơn các biến chủng trước đây".
Trong nghiên cứu mới, tiến sĩ Sigal và các đồng nghiệp đã xác nhận khả năng né tránh kháng thể từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên của Omicron.
Sau khi phân tích mẫu máu của người đã tiêm chủng hoặc từng nhiễm nCoV, họ chỉ ra rằng kháng thể chống Delta và các biến chủng khác hoạt động kém hiệu quả với Omicron. Điều này giúp giải thích tại sao nhiều người đã tiêm phòng vẫn nhiễm Omicron, song triệu chứng nhẹ. Ngược lại, kháng thể sau nhiễm Omicron đủ sức phòng chống Delta.
Công trình xuất bản ngày 27/12/2021 và chưa được bình duyệt. Theo các chuyên gia độc lập, kết quả của nghiên cứu còn sơ bộ, nhưng là bước ngoặt lớn. Carl Pearson, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, cho biết phát hiện này tương đồng với tình hình thực tế ở Anh, đồng thời chia sẻ: "Omicron xuất hiện, phát triển nhanh chóng và đẩy lùi làn sóng Delta".
Vào đầu đại dịch, cộng đồng hiếm khi tái nhiễm nCoV bởi lần mắc bệnh đầu tiên tạo ra kháng thể và tế bào miễn dịch. Song kể từ cuối năm 2020, các biến chủng mới xuất hiện. Một vài biến chủng, chẳng hạn Delta, đột biến giúp virus lây lan nhanh chóng. Beta có khả năng thích ứng và né tránh kháng thể từ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên.
Delta trở nên phổ biến vào mùa hè năm 2021, mang lợi thế của cả hai biến chủng trên. Vaccine vẫn đủ sức bảo vệ người dùng, nhưng không còn hiệu quả như trước đó. Khi Omicron xuất hiện vào tháng 11, nó lây lan nhanh hơn Delta. Các chuyên gia đề ra hai giả thuyết giải thích cho hiện tượng đó: virus nhân lên với số lượng lớn hoặc dễ truyền từ người này sang người khác hơn. Omicron cũng dễ lây nhiễm cho người đã tiêm chủng và người từng mắc Covid-19.
Khi Omicron lây lan đến nhiều quốc gia, tiến sĩ Sigal suy đoán nó sẽ tạo khả năng miễn dịch cho cộng đồng trước Delta. Điều này có nghĩa những F0 nhiễm biến chủng Delta sẽ ít nguy cơ truyền bệnh cho người khác hơn. Lợi thế cạnh tranh từ Omicron đó đánh dấu sự diệt vong của biến chủng Delta.
Nathan Grubaugh, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Yale nhìn thấy mô hình tương tự ở Connecticut. Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp cho thấy kháng thể chống Omicron mạnh hơn Delta, có thể vô hiệu hóa Delta. Ông nói: "Ca nhiễm Omicron tăng theo cấp số nhân trong khi các trường hợp Delta giảm dần".
Tại Anh, người đã khỏi Omicron có nồng độ kháng thể cao, là lá chắn hiệu quả trước Covid-19 và các mầm bệnh do virus corona nói chung. Cơ chế của nó giống với vaccine. Song theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, kháng thể sau nhiễm Omicron thậm chí vượt xa vaccine hiện có. Đây có thể là lý do vì sao khi số ca nhiễm nCoV tại Anh gia tăng, tình hình vẫn chưa được xem là nghiêm trọng.
Tùy thuộc vào đặc điểm của virus, tiến sĩ Pearson đề ra ba kịch bản khác nhau của đại dịch. Thứ nhất, Covid-19 diễn biến giống bệnh cúm, biến chủng mới xuất hiện theo mùa, áp đảo biến chủng trước đó. Thứ hai, Covid-19 tương tự bệnh sốt xuất huyết. Các biến chủng tồn tại đồng thời, người dân mắc bệnh vài năm một lần. Kịch bản thứ ba tươi sáng nhất: một biến chủng chiếm ưu thế, Covid-19 trở thành mầm bệnh dễ dàng ngăn chặn. Song tiến sĩ Pearson cho rằng đây là viễn cảnh khó xảy ra nhất.
Thục Linh (Theo Reuters, DNA India)