Hiện Việt Nam đã ghi nhận 24 ca nhiễm chủng Omicron, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay, gồm: Hà Nội một (ca phát hiện đầu tiên), Quảng Nam 14, TP HCM 5, Thanh Hóa 2, Hải Dương, Hải Phòng mỗi nơi một.
Trả lời VnExpress sáng 4/1, Thứ trưởng Sơn cho rằng 24 ca đã ghi nhận là quá ít để có thể đưa ra đánh giá cụ thể về biến chủng mới. Thế giới đã ghi nhận số ca nhiều, song các đánh giá vẫn còn ít ỏi. "Còn quá ít dữ liệu để so sánh với biến chủng Delta, tuy nhiên các ca Omicron đang cách ly và điều trị tại Việt Nam phần lớn không có triệu chứng, có thể chủng này ít gây tổn thương phổi, chủ yếu tác động đến đường hô hấp trên", Thứ trưởng nói.
Điển hình, 5 ca Omicron ghi nhận tại TP HCM có chỉ số CT từ 24,9 đến 27,7, tức nồng độ virus thấp, đều không ghi nhận triệu chứng, âm tính sau 5-7 ngày. Một số người thân ở cùng với các bệnh nhân này đều không bị lây bệnh, âm tính sau nhiều lần xét nghiệm. Ca nhiễm Omicron đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ra viện sau 2 tuần không triệu chứng, sinh hoạt bình thường, xét nghiệm âm tính nCoV lần cuối vào ngày 1/1.
Mới đây, một nghiên cứu trên động vật và mô người tại Đức, công bố ngày 31/12, cũng cho thấy Omicron ít ảnh hưởng đến phổi. Theo nghiên cứu này, Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng, phần lớn giới hạn ở đường hô hấp trên, gồm mũi, họng và khí quản. Biến chủng ít gây hại cho phổi, trong khi các phiên bản virus trước đó thường gây sẹo phổi, dẫn đến khó thở. Cơ quan An ninh Y tế Anh hôm 1/1 cũng thông báo qua phân tích hơn một triệu ca Covid-19 và nhận thấy nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn ba lần so với Delta.
Đánh giá tốc độ lây lan, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng của Omicron tại Việt Nam, Thứ trưởng Sơn cho biết tất cả ca này đều được lấy mẫu trong khu cách ly, đã được kiểm soát. "Chúng ta cũng yên tâm hơn khi đã có vaccine", Thứ trưởng nói. Hiện, Việt Nam cho phép tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản. Khoảng cách tiêm liều nhắc lại 3 tháng, thay vì 6 tháng, sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai) như trước đây. Thứ trưởng Sơn cho biết rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 3 sau mũi hai từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron.
Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập và lây lan từ Omicron là rất lớn. Từ đầu tháng 12, các địa phương được yêu cầu tăng cường biện pháp phòng chống dịch; giám sát, xét nghiệm, cách ly người nhập cảnh, đặc biệt là trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới. Mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Omicron được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm, giải trình tự gene virus. Đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam có đủ khả năng giải trình tự gene virus và xét nghiệm biến chủng Omicron.
Các chuyên gia cũng lo ngại Omicron có thể gây quá tải y tế. Chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu cho rằng có khả năng F0 nhiễm Omicron ẩn nấp trong cộng đồng, do không phải ca nhiễm nào cũng được giải trình tự gene virus. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ biến chủng âm thầm lây lan nhanh, khiến số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống y tế.
Chuyên gia đề xuất các địa phương cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với biến chủng mới và Covid-19, tinh thần "nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó". Tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao, người trên 50 tuổi càng nhanh càng tốt. Bảo vệ nhóm nguy cơ sẽ giảm tình trạng quá tải bệnh viện, tỷ lệ tử vong, tiết kiệm nguồn lực y tế. Các trạm y tế cơ sở chuẩn bị thêm trang thiết bị phòng chống dịch như bình oxy, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ SpO2... ứng phó tình huống số ca nhiễm tăng cao.
Omicron xuất hiện lần đầu ở Nam Phi vào cuối tháng 11, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là biến chủng đáng lo ngại, có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn các biến chủng trước đó. Các nhà khoa học chưa kết luận về độc lực của virus, song một số bác sĩ và chuyên gia nhận định tỷ lệ chuyển nặng và nhập viện sau nhiễm biến chủng thấp hơn. Hiện biến chủng đã lây lan ra 110 quốc gia, tính đến ngày 22/12.