Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần trước thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế nhiễm nCoV, cho biết những người không triệu chứng và đã âm tính với nCoV có thể trở lại làm việc sau 7 ngày.
Hôm 27/12, CDC tiếp tục thay đổi hướng dẫn, quy định mọi ca nhiễm không triệu chứng đều có thể ngừng cách ly mà không cần xét nghiệm sau 5 ngày, trong bối cảnh biến chủng Omicron đã chiếm 58,6% ca nhiễm mới tại nước này tính đến ngày 25/12.
Israel hôm 29/12 cũng bỏ quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với những người đã tiêm chủng tiếp xúc với Omicron, bởi lo ngại số lượng người cách ly quá đông sẽ khiến đất nước rơi vào trạng thái tương tự phong tỏa, trong khi lệnh cấm hành khách nước ngoài nhập cảnh vẫn được áp dụng.
Anh, quốc gia đang bị Omicron càn quét dữ dội, trước đó đã rút ngắn thời gian cách ly với các ca nhiễm từ 10 xuống 7 ngày, kèm hai lần âm tính với nCoV bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, tiện lợi hơn so với xét nghiệm PCR nhưng kém chính xác hơn.
Giới khoa học tại một số quốc gia ủng hộ rút ngắn thời gian cách ly, trình bày mô hình cho thấy Omicron có khung thời gian lây nhiễm ngắn hơn so với các biến chủng khác. Thêm vào đó, những người đã tiêm chủng đầy đủ nhiễm virus có nguy cơ trở nặng thấp.
Chính phủ các nước cũng giải thích rằng đây là phản ứng thiết thực trước loại virus luôn biến đổi, cảnh báo hệ thống bệnh viện, trường học và nhiều cơ sở kinh doanh có thể sụp đổ nếu không nới lỏng quy định cách ly.
Các tỉnh bang Saskatchewan và Ontario của Canada hôm 30/12 cho biết hầu hết ca nhiễm có thể rút ngắn thời gian cách ly từ 10 xuống 5 ngày nếu đã tiêm chủng Covid-19 đầy đủ. Tỉnh bang Quebec thậm chí cho phép một số nhân viên y tế nhiễm hoặc tiếp xúc với virus tiếp tục làm việc, bởi lo ngại số nhân viên y tế bị cách ly có thể sớm lên tới 10.000 nếu không thay đổi quy định.
Giới chức Đức, nơi những người dương tính với nCoV hoặc từng tiếp xúc gần ca nhiễm phải cách ly hai tuần, cũng đang cân nhắc thay đổi. "Tất nhiên chúng tôi phải xem xét lại các quy định cách ly hiện nay. Với một dịch bệnh lây lan nhanh chóng, chúng tôi không thể đơn giản là làm tê liệt cả nước từ ngày này qua ngày khác", Thủ hiến bang Bavaria Markus Soder cho biết hôm 28/12.
Italy đã hành động vào ngày 29/12, khi dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm nCoV đã tiêm liều vaccine thứ hai hoặc thứ ba gần đây, hoặc vừa bình phục sau khi nhiễm virus. Trước đó, những người tiếp xúc gần phải cách ly 7 ngày nếu đã tiêm chủng và 10 ngày nếu chưa tiêm.
Nino Cartabellotta, lãnh đạo tổ chức nghiên cứu y tế Gimbe, cho biết với tỷ lệ lây nhiễm nCoV hiện nay tại Italy, trong vài tuần nữa, "có thể 5-10 triệu trường hợp tiếp xúc phải cách ly". Italy hôm 29/12 ghi nhận gần 100.000 ca nhiễm nCoV, khoảng gấp đôi so với đỉnh dịch trong các đợt bùng phát trước đây. Chính phủ đã cấm tổ chức các lễ đón giao thừa và đóng cửa hộp đêm trong tháng tới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về biến chủng Omicron. Bên cạnh đó, những hướng dẫn y tế liên tục thay đổi cũng khiến công chúng bối rối, dẫn đến các cáo buộc giới chức đề ra chính sách dựa trên lợi ích chính trị và kinh tế, thay vì ưu tiên sức khỏe cộng đồng.
Vấn đề này được cho là thể hiện rõ rệt ở Nam Phi, quốc gia đầu tiên thông báo về biến chủng Omicron vào ngày 24/11. Chính phủ nước này hôm 23/12 tuyên bố ngừng các yêu cầu truy vết tiếp xúc và cách ly, chỉ trừ những ca nhiễm nCoV có triệu chứng, với lý do Omicron đã lây lan không thể kiểm soát, trong khi công chúng đã có khả năng miễn dịch rộng rãi nhờ tiêm vaccine và từng nhiễm virus.
"Nhiều người dân đã mất thu nhập, trẻ em thì mất khoảng thời gian đến trường quý giá vì cách ly, trong khi không có triệu chứng nào", thông báo của chính phủ có đoạn.
Phản ứng của công chúng dường như nằm ngoài dự đoán của giới chức. Chính phủ Nam Phi cho biết Bộ Y tế nước này "đã chìm trong những chất vấn và bình luận" từ truyền thông cũng như người dân, dẫn đến quyết định rút lại chính sách vào ngày 28/12.
Ở Quebec, trong nỗ lực giải thích với công chúng, lãnh đạo cơ quan y tế địa phương Christian Dube nhấn mạnh tình trạng lây lan theo cấp số nhân của Omicron khiến đông đảo người lao động phải nghỉ việc, trong đó có khoảng 7.000 nhân viên y tế tính đến ngày 27/12.
"Trong các đợt bùng phát trước, chúng tôi muốn xác định và cách ly những người có nguy cơ nhanh nhất có thể. Nhưng với mức độ phủ vaccine như hiện nay, chúng tôi phải làm khác. Chúng tôi không có lựa chọn nào", Dube nói.
Horacio Arruda, giám đốc y tế cộng đồng của Quebec, bổ sung thêm rằng những nhân viên y tế nhiễm nCoV "không trong trạng thái tốt" sẽ không phải đến làm. Theo ông, quy định trong tương lai có thể tiếp tục thay đổi, như nhân viên y tế nhiễm nCoV chỉ được điều động để điều trị bệnh nhân Covid-19, họ không được ăn hoặc nghỉ giải lao cạnh các đồng nghiệp.
Tại Israel, giới chức cũng bày tỏ lo ngại tương tự về áp lực đối với hệ thống bệnh viện, giao thông và doanh nghiệp, trong bối cảnh biến chủng Omicron có nguy cơ lây lan trầm trọng hơn, bất chấp chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng và rộng rãi hàng đầu thế giới. Hôm 27/12, Israel đã bắt đầu hai tuần thử nghiệm tiêm liều vaccine thứ tư.
Theo quy định kể từ ngày 29/12 tại Israel, chỉ những người chưa tiêm chủng tiếp xúc với ca nhiễm nCoV mới phải cách ly 7 ngày. Những người đã tiêm có thể được tự do nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính, đồng thời được khuyến cáo tránh đến nơi đông người trong 10 ngày. Tuy nhiên, một số quan chức cho rằng Israel nên nới lỏng cả quy định hạn chế đi lại, vì nó gây thiệt hại về kinh tế và cũng không đủ sức ngăn được Omicron.
Trong khi đó, giới phê bình nhận định chính phủ nên tập trung vào kiểm soát lây nhiễm ở cấp độ cộng đồng, thay vì những chính sách có vẻ dựa trên áp lực chính trị và kinh tế.
"Giới chức cần hủy mọi sự kiện có nguy cơ khiến virus lây lan. Không có cớ gì để duy trì các bữa tiệc mừng năm mới như thường lệ, giữa lúc mối nguy hiểm nghiêm trọng đang ở trước mắt", Sarit Rosenblum, phóng viên y tế của tờ Yedioth Ahronoth tại Israel, viết trong bài xã luận hôm 29/12.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)