Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci hôm 17/12 cho hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã sẵn sàng thay đổi định nghĩa về tiêm đủ liều vaccine. Vấn đề này "đã được đưa ra thảo luận", ông nói, dù không chắc về thời điểm nó được áp dụng.
Tuyên bố được Fauci đưa ra trong bối cảnh nhiều thành phố ở Mỹ, như New York và Washington, đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm nCoV gia tăng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng liệu trình vaccine cơ bản trước đây có thể không đủ khả năng bảo vệ trước biến chủng Omicron đang lây lan nhanh.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu muốn được bảo vệ tối ưu, ta phải tiêm mũi tăng cường", Fauci nói.
Trên trang web, CDC thông báo "người Mỹ được coi là tiêm đủ vaccine" sau hai tuần từ khi tiêm liều thứ hai vaccine Pfizer hay Moderna, hoặc một mũi vaccine Johnson & Johson.
Thay đổi định nghĩa về tiêm đủ liều có thể khiến nhiều người không được phép tới những địa điểm chỉ cho phép người đã tiêm đầy đủ ra vào. Chưa tới 18% dân số Mỹ đã tiêm mũi tăng cường tính đến 18/12, theo CDC. Hơn 61% người Mỹ đã tiêm đủ liều theo định nghĩa hiện hành của CDC.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul tuần trước cho hay bà đang xem xét mở rộng định nghĩa tiêm chủng đầy đủ sẽ bao gồm tiêm mũi tăng cường trong phạm vi bang này.
"Tôi tin rằng nên làm vậy và chúng tôi sẽ hiện thực hóa điều này ở New York", bà nói, lưu ý chính quyền bang đang tìm cách hỗ trợ những người mới tiêm mũi hai và chưa đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường.
Một số nơi ở Mỹ cũng bắt đầu yêu cầu tiêm mũi tăng cường. Đại học New York thông báo tất cả sinh viên và nhân viên đủ điều kiện đều phải xuất trình chứng nhận tiêm mũi tăng cường từ 18/1/2022. Nhà hát opera Metropolitan ở New York cũng yêu cầu khán giả xuất trình chứng nhận tiêm mũi tăng cường bắt đầu từ ngày 17/1/2022.
Trước tình trạng ca nhiễm nCoV tăng nhanh chóng từ khi Omicron xuất hiện, một số quốc gia khác cũng đang thay đổi định nghĩa tiêm đủ liều. Israel bắt đầu yêu cầu tiêm mũi tăng cường để duy trì "thẻ xanh vaccine", điều kiện để người dân được ra vào nhà hàng và các địa điểm tổ chức sự kiện. Hàn Quốc từ hôm nay cũng đưa ra biện pháp tương tự, yêu cầu tiêm mũi tăng cường trong vòng 6 tháng từ khi hoàn thành liệu trình tiêm chủng cơ bản. Một số quốc gia khác đang cân nhắc ra quy định tương tự.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung trong cuộc họp báo đầu tuần trước cho rằng cần phải tiêm mũi tăng cường mới được coi là tiêm đủ liều vaccine. Giới chức Áo yêu cầu khách quốc tế chưa tiêm mũi tăng cường phải xuất trình kết quả xét nghiệm nCoV âm tính.
Bộ trưởng Y tế Malaysia cũng thông báo những người đã tiêm vaccine Sinovac sẽ phải tiêm nhắc lại vào tháng hai năm sau nếu muốn duy trì trạng thái đã tiêm đủ liều vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ tiêm liều thứ ba cho những người đã tiêm hai liều Sinovac.
Giới khoa học vẫn đang nghiên cứu nguy cơ của biến chủng Omicron và cách nó phản ứng trước vaccine. Tuy nhiên, dữ liệu đầy đủ về mức độ lây lan và độc lực của Omicron vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, Jonathan Ball, giáo sư về virus học tại Đại học Nottingham ở Anh, cảnh báo các nước cần thận trọng nếu chỉ dựa vào mũi tiêm tăng cường như một biện pháp để ngăn virus lây lan. "Vai trò của vaccine là để giảm nguy cơ bệnh nặng, không phải ngăn lây nhiễm", ông nói. "Hiện nay, vài quốc gia như Anh đang coi mũi tiêm tăng cường là vũ khí để giảm ca nhiễm".
"Chính sách này có thể hiệu quả trong ngắn hạn", Ball nói, thêm rằng khả năng miễn dịch khử trùng, vốn giúp ngăn lây nhiễm hơn là chuyển biến nặng, sẽ suy giảm nhanh chóng. "Tôi cho rằng rốt cuộc mọi chính sách đều cần hướng tới những nhóm dân số dễ tổn thương và nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các nhóm đó càng cao càng tốt".
Hồng Hạnh (Theo Washington Post)