Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, người Việt có thói quen thích đi thăm trẻ con, nựng và hôn hít như là một cách thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, đây lại là thói quen dễ lây truyền các mầm bệnh cho bé.
"Trẻ em tuy có một số kháng thể tự nhiên để bảo vệ cơ thể những năm tháng đầu đời nhưng hệ miễn dịch vẫn còn yếu, trong khi bản thân người lớn lại có rất nhiều mầm bệnh. Đặc biệt là vùng họng của người lớn chứa rất nhiều vi khuẩn, khi tiếp xúc với trẻ có thể lây qua da, qua miệng, thậm chí là vào máu và gây viêm màng não", bác sĩ Khanh cho hay.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2020 của trường đại học Harvard (Mỹ), trong miệng của con người có chứa hàng ngàn tỉ tế bào vi khuẩn. Mỗi vùng trong khoang miệng (lưỡi, răng nướu, hầu - họng...) lại có một nhóm vi khuẩn đặc thù khu trú. Đây là nguồn lây bệnh khá phổ biến thông qua các hành động như hôn, hắt xì... mà không phải ai cũng để ý. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường nhận được nhiều sự cưng nựng, hôn hít từ người lớn trong khi hệ miễn dịch của các bé còn non nớt, khiến nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, các bệnh có thể lây qua đường miệng gồm cúm, sởi, rubella, quai bị, tay chân miệng, tiêu chảy, lao, viêm não. Đặc biệt nguy hiểm là bệnh viêm màng não vì có nhiều tác nhân gây bệnh, có thể là virus, vi khuẩn, vi nấm, vi trùng, siêu vi trùng - ký sinh trên cơ thể người, tập trung nhiều ở vùng hầu họng nên dễ lây truyền qua tiếp xúc.
Màng não được cấu tạo gồm các mô bao quanh bộ não và tủy sống. Trong điều kiện bình thường, đây là bộ phận vô trùng, nhưng một số vị trí như hầu họng, tai lại dễ bị viêm, khiến vi khuẩn xâm nhập và tấn công. Bệnh có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Một số trường hợp bệnh nhân giữ được tính mạng nhưng lại bị các di chứng nặng nề như sống thực vật, giảm thính lực, gặp các vấn đề về thần kinh, vận động.
"Trong y khoa, bệnh viêm màng não là trường hợp cấp cứu nội khoa, nếu chậm trễ sẽ gây hậu quả khôn lường", bác sĩ Chính cho biết.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP HCM), từ đầu tháng 12, số trẻ bị viêm màng não có xu hướng gia tăng. Số ca điều trị cùng thời điểm là 20-30 ca so với trước đó từ 10-15 ca.
Theo bác sĩ Chính, viêm màng não xuất hiện quanh năm nhưng vào những giao mùa như các tháng đông - xuân, nhiệt độ giảm, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Ở Việt Nam thì thời gian này lại trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên trẻ nhỏ di chuyển, gặp gỡ nhiều người và các cử chỉ hôn hít, thơm lên má sẽ là khó tránh khỏi. Trong khi đó, nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19.
Do vậy, để phòng bệnh cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo người lớn không nên hôn vào miệng, mặt hay ngón tay của trẻ nhỏ. Mỗi khi hắt hơi nên sử dụng khăn giấy hoặc hắt xì vào khuỷu tay để hạn chế vi khuẩn, virus phát tán. Những người hay tiếp xúc với trẻ nhỏ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc họng, chú ý lau chùi các nơi trẻ thường chạm vào như bàn, giường, tủ, ghế, sofa.
Đồng thời, bố mẹ cũng nên có những cách từ chối khéo các hành động nựng, hôn hít trẻ. Một số trường hợp bị bệnh truyền nhiễm như viêm gan, hô hấp, kiết lị, lao phổi hay răng miệng cũng tuyệt đối không cho tiếp xúc với trẻ dưới 2 tháng tuổi. Độ tuổi này cơ thể trẻ rất nhạy cảm, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh.
Ngoài ra, để phòng bệnh một cách chủ động và hiệu quả, phụ huynh nên cho con em tiêm ngừa các vaccine phòng viêm màng não nhằm đảm bảo miễn dịch, bao gồm vaccine phòng viêm màng não do mô cầu khuẩn, viêm màng não do phế cầu, viêm màng não do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib).
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người trên thế giới bị bệnh viêm màng não, cứ 10 người mắc bệnh thì có một trường hợp tử vong.
Giang Lê