Do hạn chế đi lại, từ năm ngoái Jerry Ray, COO của công ty an ninh mạng SecureAge, đã duy trì lịch làm việc từ xa tại Singapore, nơi đặt văn phòng toàn cầu của doanh nghiệp. Từng có thời gian dài sống và làm việc tại Tokyo, Ray thậm chí coi thành phố này không khác gì quê hương mình, ông biết rõ sự gián đoạn mà Thế vận hội mùa hè Tokyo phải đối mặt.
Olympic lần thứ 32 đã dự kiến tổ chức một năm trước cho đến khi Covid-19 bùng phát toàn cầu. Sự kiện này thậm chí còn chưa chắc được tổ chức mãi cho đến gần đây. Sự kiện được tổ chức vào 24/7. Nước chủ nhà từng giới hạn 10.000 khán giả, nhưng sự gia tăng của các biến thể nguy hiểm mới đã khiến con số đó giảm xuống còn 0.
Giữa luồng thông tin về sự thiếu chắc chắn của Nhật Bản đối với sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, người ta dường như bỏ qua tầm quan trọng của Thế vận hội Tokyo trong tiến trình phổ biến công nghệ mạng 5G.
Các ứng dụng 5G tại Thế vận hội Tokyo
Theo vị COO của SecureAge, hầu như tất cả khán giả theo dõi sự kiện Olympic lần này sẽ được sống trong trải nghiệm 5G mà không cần phải có thiết bị hỗ trợ 5G. Các ứng dụng của nó xuất hiện trong trình diễn đồ họa 3D, xe tự hành, điều khiển thiết bị theo thời gian thực, những trải nghiệm chưa từng có ở các kỳ Thế vận hội trước đây.
"Thay vì quảng cáo các khả năng của 5G thông qua lời nói hoặc kể chuyện, Thế vận hội sẽ giới thiệu rất nhiều ứng dụng một cách trực quan và đồng thời cho hàng tỷ cặp mắt theo dõi", Ray nói.
Việc nước chủ nhà Nhât Bản phát sóng Olympic Tokyo 2020 với chất lượng video 8K và áp dụng thực tế ảo tăng cường/thực tế ảo cho sự kiện chỉ là một phần của câu chuyện 5G. Các phương tiện tự hành như e-Palette của Toyota cũng sử dụng mạng 5G để đưa các vận động viên và nhân viên từ Làng Olympic đến các địa điểm khác nhau.
Ngoài ra, sức mạnh và tốc độ của 5G sẽ thúc đẩy việc áp dụng nhận dạng khuôn mặt tại các địa điểm thi đấu để tăng tốc độ kiểm tra ID. Phần mềm sử dụng tại Olympic 2020 là công nghệ NeoFace của Intel, công ty cũng đang cung cấp nền tảng 5G cùng nhà mạng NTT DoCoMo của Nhật Bản. An ninh cũng sẽ được tăng cường bằng máy bay không người lái và robot kiểm tra. Điều này rõ ràng đòi hỏi hành động nhanh chóng, chưa kể đến dung lượng băng thông lớn.
Độ trễ thấp của 5G sẽ không chỉ tối đa hóa hiệu quả của máy bay và ôtô không người lái, mà còn cung cấp sức mạnh cho công nghệ đấu trường ảo Digital Twin, cho phép mô phỏng các tình huống mà không gây ra gián đoạn. Ngoài ra thế hệ mạng di động thứ 5 còn hỗ trợ hệ thống Theo dõi vận động viên 3D (3DAT). Nó sử dụng bộ vi xử lý Intel Xeon và Alibaba Cloud, kết hợp với bốn camera gắn nghiêng để ghi lại chuyển động của các vận động viên và sau đó áp dụng các thuật toán để xác định ra tư thế. Dữ liệu được chuyển thành hình ảnh trực quan có thể được gửi đến các đài truyền hình.
Đột phá bị trì hoãn
Ray cho rằng tồn tại một nghịch lý khi nhận thức về 5G đang được Thế vận hội giới thiệu, nhưng công nghệ và cơ sở hạ tầng không thể bắt kịp để bắt đầu trùng với các trận đấu.
Ngoài việc làm gián đoạn Thế vận hội Tokyo, Covid-19 đã có tác động lớn đến quá trình triển khai 5G. Báo cáo của GlobalData về 5G nêu rõ, "các biện pháp giãn cách xã hội đã tạo ra những gián đoạn tạm thời trong việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G".
"Việc trì hoãn các cuộc đấu giá phổ tần 5G ở các quốc gia như Brazil, Mexico, Canada, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Pháp và Ấn Độ có thể có tác động lớn hơn đến việc mở rộng 5G trong thời gian ngắn và trung hạn", Ray nói.
Ray cho biết số lượng thuê bao 5G ở Nhật Bản gần như giậm chân tại chỗ kể từ đầu năm 2020 và chỉ đạt một tỷ lệ nhỏ so với dự báo của NTT, KDDI, Softbank và Rakuten.
"Và ngay cả khi đã chín tháng sau buổi ra mắt iPhone 12 - thiết bị tương thích 5G của Apple, vẫn không có nhiều thay đổi, Điều này đã khiến hầu hết người nâng cấp lên 5G tự hỏi thực sự công nghệ này có ý nghĩa như thế nào đối với trải nghiệm smartphone của họ. Hiện tại, những cải thiện rõ rệt vẫn chưa nhiều", COO SecureAge nói.
Ray cho rằng từ quan điểm của một người tiêu dùng, hầu hết chủ sở hữu thiết bị 5G hiện nay chưa thể có những trải nghiệm hỗ trợ 5G đích thực.
Châu Á chưa bắt kịp về 5G
Báo cáo của GlobalData cho thấy châu Á có 418,8 triệu thuê bao di động đăng ký 5G vào cuối năm 2020, chiếm chưa đến 5% tổng số đăng ký 5G trên toàn thế giới.
GlobalData cho biết: "Các nhà khai thác đã gặp khó khăn trong việc triển khai hệ thống mạng 5G và vật lộn để nâng doanh thu. Điều này một phần phản ánh vùng phủ sóng mạng vẫn còn chắp vá, nhưng cũng cho thấy người tiêu dùng chưa sẵn sàng trả tiền cho tốc độ cao hơn".
Tiêu biểu là đầu năm nay hàng trăm người dùng 5G tại Hàn Quốc đã khởi kiện tập thể chống lại các nhà khai thác mạng di động lớn của nước này. Họ cho rằng các nhà mạng đã quảng cáo sai sự thật khi nói rằng tốc độ tải xuống 5G nhanh hơn 20 lần so với 4G LTE, trong khi một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc năm ngoái cho thấy tốc độ tải xuống 5G trung bình chỉ nhanh hơn 4G bốn lần.
Emma Mohr-McClune, Giám đốc dịch vụ và nhà phân tích tại GlobalData, cho biết: "Toàn bộ ngành công nghiệp đang hướng về Hàn Quốc để tìm nguồn cảm hứng cho thế hệ game di động mới, hình thức truyền thông nội dung phong phú và các dịch vụ AR/VR, nhằm tận dụng tiềm năng độ trễ siêu thấp, tốc độ siêu cao của 5G".
Nhưng trong khi Hàn Quốc có khả năng phổ cập 5G tốt hơn hầu hết quốc gia khác, vùng phủ sóng vẫn còn kém. Câu chuyện cũng diễn ra tương tự ở các nước châu Á, càng làm giảm kỳ vọng rằng châu lục này sẽ tiến thêm một bước vào tương lai 5G so với phần còn lại của thế giới. Theo VOA, nhiều tháp phát sóng 5G ở Trung Quốc chỉ hoạt động nửa ngày, tất cả đều có tín hiệu yếu, đồng nghĩa với mức sử dụng của người tiêu dùng đặc biệt thấp.
Mohr-McClune nhấn mạnh: "Tất cả công nghệ mới đều đi kèm với những kỳ vọng và vấn đề gây thất vọng của riêng nó. Vấn đề cường độ tín hiệu bị suy giảm trong nhà chắc chắn không phải chỉ có ở Trung Quốc".
"Về tốc độ tải xuống được hứa hẹn, tôi e rằng toàn bộ ngành công nghiệp đều có lỗi trong việc tiếp thị trải nghiệm tốc độ đo trong môi trường phòng thí nghiệm là trải nghiệm tiêu chuẩn. Tốc độ đo được thực luôn không nhất quán tùy thuộc vào một loạt các yếu tố điều kiện, thiết bị và vị trí", Mohr-McClune nói.
Vận may cho Thế vận hội Tokyo
Mặc dù vậy, đó không phải là cái kết u ám trên mặt trận 5G, đặc biệt là dưới con mắt của một chuyên gia an ninh mạng. Covid-19 có thể đã ngăn Ray trở về nhà ở Nhật Bản, nhưng ông tin rằng điều đó có thể đã mang lại cho Tokyo một cơ hội tốt để kiểm soát vấn đề an ninh mạng của thành phố.
COO của SecureAge tin rằng: "Có lẽ người chiến thắng duy nhất trong việc triển khai chậm này là sự an toàn của hệ thống 5G. Ở những địa điểm xây dựng phục vụ cho Thế vận hội Olympic 2020, gần như tất cả chỉ nghĩ tới cách để cung cấp và duy trì kết nối 5G xuyên suốt trong tất cả các sự kiện thể thao, ít ai để ý tới bảo mật thiết bị và luồng dữ liệu".
"Trong khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp phi kỹ thuật ở Nhật Bản vẫn còn bối rối về tiện ích và giá trị của 5G, những kẻ xấu đã biết chính xác những gì 5G có thể mang lại và mong chờ khám phá một mặt trận mới với những lỗ hổng chưa được phát hiện", ông nói.
Theo Ray, việc triển khai 5G chậm đã làm chùn bước kế hoạch của kẻ tấn công và trong một số trường hợp, khiến các khoản đầu tư vì mục đích xấu xa của chúng cạn kiệt trong khi chờ đợi số lượng người đăng ký và sở hữu thiết bị kết nối 5G tăng lên.
"Thời gian kể từ năm ngoái đã trì hoãn các cuộc tấn công, đồng thời cho các chuyên gia bảo mật thời gian để xử lý và phát triển các giải pháp trước khi gặp vấn đề, trái ngược với các phương pháp bảo mật trước đây".
5G luôn là tốc độ, tốc độ kết nối và tốc độ truyền tải dữ liệu. Nhưng theo ông, các nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và cơ sở hạ tầng liên quan đến công nghệ 5G cần phải lựa chọn chu kỳ phát triển và triển khai phù hợp với tốc độ đó.
COO của SecureAge nói: "Các nhà sản xuất thiết bị và cung cấp cơ sở hạ tầng 5G đã có thể cân nhắc thận trọng hơn về tác động của các sản phẩm và dịch vụ từ góc độ bảo mật. Có thể việc làm chậm những điều này là cần thiết nhằm mang đến trải nghiệm 5G an toàn và tốc độ cao hơn theo thời gian".
Đăng Thiên (theo Verdict)