Mitsui Bussan Secure Directions (MBSD), công ty bảo mật có trụ sở tại Tokyo, đã phát hiện một tập tin dạng PDF với nội dung "Cảnh báo các cuộc tấn công mạng liên quan đến Thế vận hội" bằng tiếng Nhật lan truyền trên Internet. Tuy nhiên, nếu người dùng tải về và mở ra, tập tin sẽ kích hoạt một phần mềm độc hại chuyên đọc và xóa các tệp trên máy tính nạn nhân.
Theo các chuyên gia của MBSD, mục tiêu của tập tin này nhắm vào các tệp được tạo trên Ichitaro - trình xử lý văn bản được sử dụng chủ yếu ở Nhật Bản. Hacker tìm cách gửi các file PDF giả mạo này qua một email cho những người trong ban tổ chức để phá hủy các tài liệu quan trọng liên quan đến Thế vận hội.
Takashi Yoshikawa, một chuyên gia bảo mật của MBSD, cho biết mã độc dạng này được gọi chung là Wiper - phần mềm phá hoại có khả năng hủy hoàn toàn tất cả dữ liệu khỏi máy tính hoặc mạng. Tại Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc), một malware tương tự, gọi là Olympic Destroyer, đã gây ra sự cố gián đoạn hệ thống lớn.
"Đây là kiểu tấn công cần được quan tâm nhất trong Thế vận hội Tokyo 2020. Chúng ta cần theo dõi sát sao vấn đề này", Yoshikawa cảnh báo.
Bên cạnh mã độc, các nội dung độc hại trên các website giả mạo cũng là vấn đề đáng quan tâm tại Thế vận hội Tokyo 2020. Theo hãng bảo mật Trend Micro, rất nhiều website chứa mã độc hoặc các liên kết chứa mã độc "dụ dỗ" người dùng truy cập tăng mạnh trước thềm Olympic. Chúng được nhiều streamer chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến hoặc mạng xã hội.
Hiện tại, nội dung về Thế vận hội Tokyo 2020 được cung cấp miễn phí trên hai nền tảng, gồm đài truyền hình nhà nước NHK và đài truyền hình TVer. "Các streamer khác hiện không được ủy quyền nội dung về Thế vận hội. Việc nhấp vào các liên kết mà những người này chia sẻ có thể khiến người dùng bị tấn công", Trend Micro cảnh báo. "Mọi người nên xem các nội dung từ nền tảng chính thức".
Các chuyên gia bảo mật khác cũng cảnh báo nhiều hình thức tấn công mạng khác nhằm vào Thế vận hội Tokyo 2020. Trong đó, các website giả mạo thường lập tên miền chứa các từ khóa chính như "Tokyo" hoặc "2020", sau đó đăng các nội dung về bán vé giả. Ngoài ra, gần đây thông tin đăng nhập của người hâm mộ và tình nguyện viên cũng đã bị rò rỉ trực tuyến trong một cuộc tấn công mạng.
Thế vận hội Tokyo 2020 dự kiến tổ chức năm ngoái nhưng ban tổ chức đã dời sang năm nay vì đại dịch. Sự kiện sẽ khai mạc vào hôm nay 23/7 lúc 18h (giờ Hà Nội). Lễ khai mạc diễn ra tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo. Các vận động viên sẽ tranh tài 33 môn với 339 nội dung, tương đương 339 bộ huy chương được trao.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)