Trên bầu trời Tokyo, trong lễ khai mạc Thế vận hội hôm 23/7, Intel đã mang đến màn trình diễn ánh sáng mãn nhãn với "đội quân" gồm 1.825 máy bay không người lái (drone) tạo thành các hình ảnh khác nhau. Ban đầu, chúng xếp thành biểu tượng của Thế vận hội 2020, sau đó biến thành hình Trái đất màu xanh lam.
Tại Thế vận hội mùa đông 2018 ở Hàn Quốc, Intel cũng đã tổ chức một màn trình diễn ánh sáng tương tự với hơn 1.200 máy bay không người lái. Công ty Mỹ đã sử dụng drone có tên Shooting Star, một mẫu máy bay quadcopter chỉ nặng 340 gram, có khả năng hoạt động trong điều kiện gió mạnh 11 mps.
Theo Kunimasa Suzuki, chủ tịch Intel Nhật Bản, Shooting Star được trang bị bốn đèn LED độ sáng cao, cho phép tạo thành một "màn hình lớn giữa bầu trời với ánh sáng chân thực và đồ họa rõ nét". Trong khi đó, drone dùng cho Thế vận hội mùa đông 2018 chỉ có một đèn LED.
Cùng với drone thế hệ mới, Intel cũng đưa vào phần mềm tạo ảnh hoạt hình và các công cụ chuyên dụng nhằm tạo các hiệu ứng và kỹ xảo. Tất cả sẽ kết hợp với hệ thống âm thanh bên dưới để tạo thành một buổi trình diễn mãn nhãn cho người hâm mộ.
Hãng điện tử Panasonic hiện diện tại lễ khai mạc Thế vận hội với hàng loạt sản phẩm mới nhất, gồm máy chiếu, thiết bị âm thanh và thiết bị ánh sáng. Ngoài ra, Panasonic cũng đưa vào hệ thống được thiết kế để tái tạo chính xác màu sắc, phục vụ cho phát sóng 4K và 8K độ nét cực cao.
Thân thiện với môi trường là chủ đề chính của Olympic Tokyo 2020. Công ty thiết bị nhà ở Lixil được chọn để sản xuất bộ khung vạc lửa Olympic. Bộ khung này được làm hoàn toàn bằng nhôm tái chế, lấy ý tưởng từ các tấm chắn cửa sổ của những ngôi nhà trong thảm họa động đất và sóng thần tàn phá năm 2011.
Ngọn đuốc Olympic được sản xuất bởi UACJ Extrusion, một công ty xử lý kim loại có trụ sở tại Tokyo. Công ty đã dành ba năm thiết kế mẫu đuốc mới, đáp ứng các thông số kỹ thuật nghiêm ngặt và mỹ thuật phức tạp.
Tại Thế vận hội, 1.600 vận động viên tham gia thi đấu tại Nhật Bản mặc trang phục do chuỗi cửa hàng quần áo Aoki Holdings chuẩn bị. Những chiếc áo này thể hiện kỹ thuật tốt nhất của Nhật Bản về may mặc, trong đó áo khoác với các lỗ nhỏ thoáng khí và khả năng co giãn, trong khi áo sơ mi có khả năng thấm hút nước cao và nhanh khô.
Khoảng 5.000 huy chương cũng được sản xuất để phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất trong năm ở Nhật Bản. Mỗi chiếc có trọng lượng từ 450 đến 556 gram được nguyên liệu tái chế. Hàng triệu smartphone cũ và các đồ điện tử hư hỏng khác được sử dụng nhằm tách lấy vàng, bạc và đồng.
Ban tổ chức cũng chọn các bài nhạc từ các trò chơi điện tử nổi tiếng Nhật Bản, như Dragon Quest và Final Fantasy. Ngoài ra, bản phối âm từ các bài nhạc nổi tiếng trong game do Bandai Namco Holding, Sega Sammy Holdings và Konami Holdings cung cấp cũng được phát trong buổi khai mạc và ở một số nội dung thi đấu.
Như Phúc (theo Nikkei Asia)