Cùng với diễn biến ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng Ukraine và mâu thuẫn Nga - Mỹ, dư luận trong nước trở nên bất lợi hơn cho Tổng thống Obama. Một mặt sự quan tâm cho chính sách kích thích kinh tế ngắn hạn nhằm ứng phó với cuộc bầu cử Hạ viện suy giảm, một mặt áp lực yêu cầu tổng thống có thái độ cứng rắn hơn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày càng cao.
Sau khi đàm phán bốn bên về vấn đề Ukraine hôm 17/4 bất ngờ đạt được thỏa thuận sơ bộ, Tổng thống Obama không hề tỏ ra lạc quan mà hoài nghi về kết quả và khả năng thực hiện thỏa thuận, đồng thời tuyên bố sẽ phối hợp với đồng minh tăng cường trừng phạt Nga nếu như tình hình không biến chuyển.
"Chúng ta không cần một cuộc chiến tranh. Điều chúng ta cần là việc thừa nhận Ukraine như một quốc gia có quyền giao hảo với các nước xung quanh trong điều kiện chủ quyền không bị xâm phạm", ông Obama nói trong cuộc phỏng vấn với kênh CBS.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn khẳng định Nga đã xâm phạm chủ quyền và can thiệp quân sự vào Ukraine. Moscow phủ nhận các cáo buộc trên và chỉ muốn "đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cộng đồng người nói tiếng Nga".
Theo nhiều chuyên gia, mâu thuẫn Nga - Mỹ trên vấn đề Ukraine sẽ dẫn đến việc một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai tái diễn, và nếu không thì cũng là giai đoạn đối kháng lâu dài, với quá trình hàn gắn xa vời.
"Cục diện trên sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến thời gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, liên quan đến chính sách trong nước, châu Âu, Trung Đông và châu Á", bình luận viên David Sanger của tờ New York Times đánh giá.
Một số quan chức chính phủ Mỹ cho biết các nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân vốn đạt được tiến triển nhất định, nhưng nay cũng trở nên không xác định.
Trong giai đoạn ông Dmitry Medvedev còn là tổng thống Nga, Obama nỗ lực cải thiện quan hệ Washington - Moscow, khiến ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ đạn đạo mới của châu Âu trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, căng thẳng hiện nay buộc Mỹ và các thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đánh giá lại kế hoạch trên.
Các quan chức Mỹ dự đoán thế đối đầu và thiếu niềm tin giữa hai cường quốc cựu thù sẽ còn kéo dài và Moscow rất có thể sẽ không muốn hợp tác với Washington trên vấn đề bình ổn cuộc nội chiến Syria và kế hoạch trừng phạt Iran.
Trong cuộc trả lời trực tuyến người dân hôm 17/4, Tổng thống Putin khẳng định chính những hành động "đạo đức giả" Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương "Mỹ có thể hành động ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan và Libya, nhưng Nga lại không được phép bảo vệ lợi ích của mình", ông nói.
Nhưng quan trọng hơn cả, mâu thuẫn Nga - Mỹ đã thách thức nền tảng cơ bản trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama. Đó là thông qua việc giảm dần tham gia các cuộc xung đột nước ngoài, từ đó thay đổi vai trò cảnh sát toàn cầu của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và nội lực của Washington không còn được như xưa.
Thượng nghị sĩ John McCain thuộc đảng Cộng hòa gần đây cảnh báo cục diện địa chính trị ổn định tại châu Âu đã bị thách thức, vì vậy Mỹ cần chuẩn bị ứng phó với quan hệ có tính cạnh tranh hơn với Nga dưới thời Tổng thống Putin.
Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các cố vấn của ông Obama đang giúp tổng thống hoạch định lại chính sách, theo đó sẽ dành nhiều quan tâm hơn cho vấn đề châu Âu, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu tăng cường quân lực của các nước thành viên Đông Âu của NATO.
Mỹ còn quay lại châu Á
Tuy nhiên, điều này sẽ trở ngại chiến lược quay lại châu Á của Mỹ, vốn đã bị nghi ngờ và chỉ trích là lời nói nhiều mà hành động ít. "Obama muốn hoàn thành việc điều chỉnh chiến lược trong nhiệm kỳ của mình, xoay trục từ Trung Đông, châu Âu về châu Á, nhưng vấn đề Ukraine đã đảo loạn kế hoạch này. Châu Âu không còn ổn định mà EU lại không muốn tái vũ trang, trọng tâm ngoại giao Mỹ lại quay về quỹ đạo cũ", Giáo sư Tôn Hưng Kiệt thuộc đại học Cát Lâm phân tích trong một bài viết cho tờ Financial Times.
Vì vậy, thách thức trước mắt của Tổng thống Obama là thuyết phục các nước đồng minh châu Á tin tưởng rằng trọng tâm chính sách ngoại giao của Mỹ vẫn không thay đổi. Chuyến công du châu Á sắp tới của ông chủ Nhà Trắng được cho là cơ hội tốt để tái khẳng định lập trường trên.
"Điều mà ông Obama cần làm là thuyết phục mọi người, rằng ông rất nghiêm túc với vấn đề châu Á. Chúng ta không thể vì châu Âu mà bỏ mặc châu Á được", ông Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ, cho biết.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng Mỹ còn cần trấn an các nước đồng minh châu Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Nhật Bản và Philippines, trước các mối lo ngại rằng một Crimea có thể tái diễn tại khu vực.
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel hôm 8/4 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố: "Trung Quốc không thỏa hiệp, nhượng bộ, trao đổi trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc gọi là sẽ đến, đến là sẽ đánh và đánh là tất thắng"
"Ông Obama cần làm rõ với Bắc Kinh hai vấn đề. Một là việc Nga can thiệp vào Ukraine không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc tại châu Á. Hai là Trung Quốc cần cục diện thế giới ổn định để phát triển", ông Haass nói.
Ông cũng cho biết Bắc Kinh muốn biết Mỹ liệu có các biện pháp trừng phạt thực chất hay không và Nga sẽ tìm cách gì để cản trở. "Họ rất muốn biết giới hạn nằm ở đâu và liệu thực sự có giới hạn hay không", chuyên gia này kết luận.
Đức Dương