"Oanh tạc cơ H-20 được trang bị tên lửa tấn công thông thường và mang đầu đạn hạt nhân sẽ là bước đột phá lớn trong học thuyết lẫn thực tiễn phát triển khí tài của không quân Trung Quốc", SCMP ngày 26/11 dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), đặt trụ sở tại London.
H-20 là oanh tạc cơ tàng hình được quân đội Trung Quốc (PLA) công bố kế hoạch phát triển từ năm 2016, dự kiến biên chế trong năm 2021. Truyền thông Trung Quốc cho biết H-20 có thể mang theo 45 tấn vũ khí, bao gồm vũ khí hạt nhân, và phóng được 4 tên lửa hành trình tàng hình hoặc siêu vượt âm.
Chương trình phát triển H-20 là một phần kế hoạch mở rộng tầm hoạt động của oanh tạc cơ trong biên chế không quân Trung Quốc, vốn nằm trong tham vọng tăng năng lực chiến đấu của quân đội nước này.
"H-20 sẽ mang đến cho Trung Quốc khả năng phô diễn sức mạnh xuyên lục địa đúng nghĩa", RUSI cho biết, nhận định mẫu oanh tạc cơ này có thể giúp Trung Quốc đạt tham vọng sở hữu năng lực "tấn công ở phạm vi toàn cầu".
Báo cáo của RUSI nhận định không quân Trung Quốc hiện chỉ là lực lượng mang tính khu vực với khả năng hoạt động trong "chuỗi đảo thứ nhất", thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản và tới Philippines.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính tầm bay của H-20 lên tới 8.500 km, có khả năng tấn công mục tiêu trên đảo Guam, vốn nằm trên "chuỗi đảo thứ hai". Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng H-20 có thể bay xa 12.000 km, đủ sức xuyên qua chuỗi đảo thứ hai để tập kích Hawaii.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình tại Bắc Kinh cho biết H-20 được thiết kế "để vươn tới lãnh thổ Mỹ" và nằm trong bộ ba hạt nhân của Trung Quốc, bên cạnh tên lửa phóng từ mặt đất và chiến hạm. "Thiết kế kiểu cánh bay (flying-wing) đồng nghĩa H-20 khó tham gia không chiến nên khả năng tàng hình quan trọng hơn".
Zhang Zhaozhong, giảng viên Đại học Quốc phòng của quân đội Trung Quốc, khẳng định khả năng tàng hình là "năng lực cốt lõi" của H-20. "Trong chiến tranh hiện đại, phương tiện chở bom trên không được thay bằng tiêm kích đa năng với độ cơ động cao, đồng thời hệ thống phòng không được cải tiến khiến việc xâm nhập bằng tốc độ cao khó thành công hơn", Zhang cho biết.
"Khả năng tàng hình được Mỹ và Nga lựa chọn hoặc chứng minh trên oanh tạc cơ thế hệ tiếp theo", chuyên gia này nói. "Oanh tạc cơ chiến lược mới của Trung Quốc có thể sở hữu tính năng tàng hình tương tự B-21 của Mỹ".
Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây nhận định Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn khi tìm cách đảm bảo khả năng kiểm soát máy bay kích thước lớn sử dụng thiết kế cánh bay như H-20.
Báo cáo của RUSSI cho biết Trung Quốc đang phát triển máy bay tầm trung khó bị nhìn thấy bằng mắt thường, giúp cải thiện khả năng tấn công của PLA trong không gian tranh chấp, "đặc biệt là các căn cứ quan trọng của Mỹ tại Guam và Okinawa, Nhật Bản".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)