Lực lượng vũ trang Đài Loan phát cảnh báo qua điện đàm khi phát hiện tiêm kích J-10 và ít nhất một oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở phía tây nam hòn đảo hôm nay. "Các chiến đấu cơ cũng chủ động xua đuổi biên đội máy bay trên", lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Đây là lần thứ 8 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan trong hai tuần qua. Động thái diễn ra chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chứng kiến chuyến bay thử công khai đầu tiên của máy bay huấn luyện siêu âm AT-5 Yungyin (Dũng Ưng) do hòn đảo tự phát triển.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về hoạt động này. Bắc Kinh thường tuyên bố các chuyến áp sát đảo Đài Loan là hoạt động huấn luyện quân sự thường lệ và thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, đe dọa hòn đảo phải "trả giá đắt" nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc, đe dọa hòn đảo sẽ phải "trả giá" nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Lãnh đạo Thái Anh Văn từng nhiều lần khẳng định tự phát triển công nghệ quân sự là ưu tiên hàng đầu nhằm hiện đại hóa năng lực phòng thủ, đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc đại lục. Chính quyền hòn đảo năm ngoái quyết định tăng chi tiêu quân sự cho năm 2020 thêm 8,3%, lên mức 13,11 tỷ USD, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2008.
Đài Bắc đã đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD cho dự án AT-5 từ năm 2017 với mục tiêu sở hữu ít nhất 66 phi cơ trước năm 2026. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết những chiếc Dũng Ưng sẽ thay thế phi đội máy bay huấn luyện AT-3 và F-5E/F Tiger II già cỗi do Mỹ sản xuất trong biên chế. Máy bay sẽ có trang thiết bị tương tự tiêm kích F-16, giúp phi công làm quen và tích lũy kinh nghiệm trước khi vận hành các chiến đấu cơ chuyên biệt.
Vũ Anh (Theo Reuters)