Trong Thế chiến II, oanh tạc cơ Fw 200 Condor là khắc tinh số một của tàu hàng Đồng minh trên Đại Tây Dương, cũng là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất trong biên chế phát xít Đức. Tuy nhiên, loại máy bay ném bom lợi hại này ban đầu được Đức phát triển chỉ cho mục đích chở khách, theo WATM.
Fw 200 Condor ban đầu là phi cơ dân dụng được công ty Focke-Wolf thiết kế cho hãng hàng không Lufthansa để bay đến Nam Phi. Nó chở được 26 hành khách, có khả năng bay thẳng từ Đức đến Mỹ trong 20 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu. Phiên bản vận tải Fw 200A-0 Condor được sản xuất từ năm 1938, một chiếc được hoán cải thành chuyên cơ chở trùm phát xít Adolf Hitler.
Khi Thế chiến II nổ ra, không quân Đức hiểu rằng họ phải làm mọi thứ để cắt đứt tuyến vận tải huyết mạch nối Mỹ với Anh qua Đại Tây Dương. Cùng lúc đó, hải quân đế quốc Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm đến khả năng trinh sát tầm xa của Fw 200. Nó nhanh chóng được hoán cải thành oanh tạc cơ trinh sát biển tầm xa.
Từ phiên bản máy bay dân dụng ban đầu, Fw 200 được hoán cải thành oanh tạc cơ 7 chỗ ngồi, dài 23 m, sải cánh rộng 32 m và cao hơn 3 m. Nhờ trang bị 4 động cơ BMW-Bramo 323 R-2 với tổng công suất 4.800 mã lực, Fw 200 có tốc độ tối đa 360 km/h, tầm hoạt động 4.400 km. Máy bay được trang bị 4 súng máy MG 131 cỡ nòng 13 mm, một pháo MG-151 cỡ nòng 20 mm và mang được 2,1 tấn bom các loại. Đức còn trang bị radar chống tàu, thiết bị hỗ trợ ném bom tầm thấp để thực hiện nhiệm vụ diệt hạm.
Với khả năng bay liên tục 14-18 giờ trên quãng đường 3.860 km, các biên đội Fw 200 luôn là mối đe dọa nguy hiểm nhất với tàu hàng Đồng minh trên Đại Tây Dương, bất chấp những thách thức về thời tiết và khả năng định hướng.
Sau khi được biên chế cho đơn bị Kampfgruppe 40 từ tháng 8/1940, Fw 200 đã đánh chìm tổng cộng 90.000 tấn hàng chỉ trong vòng hai tháng, con số này đạt mức 363.000 tấn vào thời điểm tháng 1/1941. Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi những máy bay này là "tai họa ở Đại Tây Dương".
Dù vậy, Fw 200 cũng có nhiều hạn chế như phần đuôi dễ bị bung khi hạ cánh. Ít nhất 8 chiếc đã gặp tai nạn khi phần thân đứt rời. Khung thân không đủ chắc chắn để bổ sung vũ khí và nhiên liệu, do Fw 200 là dòng máy bay hoán cải. Phi hành đoàn luôn phàn nàn về trang bị vũ khí không thích hợp, cùng hệ thống cấp nhiên liệu dễ hỏng.
Sự nguy hiểm của phi đội Fw 200 không nằm ở trang bị vũ khí, mà là khả năng chỉ điểm vị trí tàu Đồng minh cho tàu ngầm Đức tấn công. Giữa năm 1941, Anh bắt đầu sử dụng tàu sân bay để hộ tống tàu hàng, buộc Đức thay đổi chiến thuật. Những chiếc Fw 200 có nhiệm vụ theo dõi, báo cáo hành trình của tàu hàng Đồng minh và không chủ động tấn công trừ khi gặp nguy hiểm.
Để dẫn đường cho tàu ngầm, phi cơ Fw 200 bay bám theo đội hình tàu đối phương, đồng thời phát tín hiệu dò đường nhưng không liên lạc trực tiếp với tàu ngầm. Đây là phương thức sử dụng hiệu quả với số máy bay sẵn có, trong bối cảnh Đức sản xuất rất ít Fw 200.
Trong quá trình tham chiến, loại máy bay này cũng phải hứng chịu không ít thiệt hại. Ngày 20/9/1941, một chiếc bị bắn hạ khi tấn công đội tàu hàng được tàu sân bay HMS Audacity hộ tống. Trong chuyến ra biển tiếp theo của tàu sân bay này, có thêm 4 chiếc Fw 200 bị bắn hạ.
Đến năm 1943, phi đội Fw 200 được chuyển thành máy bay vận tải và triển khai đến mặt trận phía Đông trong trận Stalingrad. Sau đó, chúng trở lại Đại Tây Dương thực hiện vai trò tuần thám, trước khi bị thay thế bằng dòng Ju 290.
Fw 200 bị ngừng sản xuất vào năm 1944, sau khi không quân Đức tiếp nhận 263 chiếc. Ý tưởng tạo ra phi cơ tuần thám biển từ máy bay dân dụng là tiền đề để Anh và Mỹ ra mắt những chiếc P-3 Orion và Nimrod thời Chiến tranh Lạnh.
Duy Sơn