Sau nhiều năm đón khách Tây đến Việt Nam, tôi nhận thấy họ hay phàn nàn về tiếng còi xe inh ỏi. Người Việt có thể "quen tai" nhưng khách Tây thấy kỳ quặc. Họ nhận định đó là một kiểu ô nhiễm - "ô nhiễm âm thanh".
Một lần, tôi và đoàn khách đang rảo bước thì chiếc xe ôtô 7 chỗ hú còi ngay phía sau. Vị khách nam trong đoàn hoảng loạn, chới với đá chân vào chiếc lọ hoa được bày bán trên vỉa hè. May mắn, chủ cửa hàng không bắt ông ấy bồi thường.
"Sao họ còi liên tục thế nhỉ?", "Bóp còi nhiều để làm gì?" - tôi thường xuyên gặp những câu hỏi vậy từ khách Tây. Khi đáp rằng người dân nhấn còi là để các vị khách tránh xa; để cảnh báo va chạm, thì tôi lạigặp một câu hỏi khác: "Chỗ đoàn ta vừa đi qua có bệnh viện, có biển cấm nhưng sao họ vẫn cứ bóp còi?". Tôi chỉ biết phân trần với những lý do như ý thức chưa tốt của người điều khiển phương tiện, thói quen xấu xí nhưng dần dần đã có sự cải thiện.
Có lần, xe của chúng tôi dừng đèn đỏ, chiếc xe tải đằng sau nhấn còi "bíp, bíp" thật to. Các vị khách lại thắc mắc: "Ơ sao chiếc xe ấy lại còi?". Không chỉ khách Tây, chính tôi cũng nhận thấy, người Việt đang lạm dụng chiếc còi.
Còn về văn hóa ăn uống, đa phần khách Tây rất sợ ngồi trong những nhà hàng có không gian kiểu "đám cưới" Việt. Họ sợ những tiếng ồn từ khắp các phía, sợ những tiếng cười nói "không ai chịu bé hơn ai", sợ những tiếng cốc ly va đập choanh choách. Giữa âm thanh hỗn độn như thế, khách Tây không thể tập trung và chuyện trò được với nhau khi ăn. Tôi ngộ được điều này sau một bài học đắt giá lúc chân ướt chân ráo vào nghề hướng dẫn viên.
Lần ấy, tại một nhà hàng kiểu "vỡ chợ", khi đồ ăn đã được mang ra thì chỉ có non nửa số khách trong đoàn của tôi dùng bữa một cách đúng nghĩa. Số còn lại cứ ngó sang bên này rồi lại ngó sang bên kia, sau mỗi lần có tiếng hô vang "dzô, dzô" từ một bàn ăn trong nhà hàng. Đây cũng là sự khác biệt trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực giữa người phương Tây và người Á Đông. Do đó, dựa trên kinh nghiệm, khi kinh doanh nhà hàng phục vụ khách du lịch ở Việt Nam, các ông chủ thường đặt ra tiêu chí: một cơ sở đã phục vụ thực khách châu Á thì không thể phục vụ thực khách châu Âu, và ngược lại.
Một kiểu ô nhiễm tiếng ồn khác với khách Tây chính là loa phường. Những năm trước, cứ mỗi một đoàn khách tôi phải giải thích một lần về loa phường.
"Này anh, sáng nay chúng tôi chưa kịp dậy thì có tiếng ai nói bằng loa rất to, nói vang cả khu vực này, họ nói phải đến 30 phút. Chúng tôi tưởng có chuyện gì, dậy thật nhanh, nhưng lúc sau lại thấy nhạc nổi lên nên chúng tôi không còn lo lắng nữa. Vậy nó là cái gì?", ông Jose Paulino, vị khách người Bồ Đào Nha, thắc mắc. Paulino có vẻ bực dọc vì bị đánh thức và không tin lắm vào lời giải thích rất cặn kẽ của tôi. Đến khi tôi dẫn đến đúng cột gắn loa, ông mới hết hoài nghi.
Khoảng 2 năm trở lại đây, khách Tây không còn bị quấy rầy bởi những chiếc loa phường, song lại bị những âm thanh karaoke "tra tấn" khi ghé qua và lưu trú qua đêm tại một số vùng quê. Điều này thực ra không chỉ với khách Tây mà cũng với cả người Việt, nhưng vấn đề là khách Tây không hiểu những lời ca trong khi bị ép phải nghe nhiều giờ đồng hồ. Thông thường, họ mất trắng cả buổi tối yên tĩnh giữa miền quê để đọc sách, vì tiếng hát réo rắt kéo dài đến 11 h đêm.
Về đêm, khách Tây rất ngại những tiếng chó sủa. Tôi từng hỏi khách: "Chỗ các anh chị, chó không sủa ư?". Vợ chồng bà Claire Delamare, người Pháp, đáp: "Chó ở chỗ bọn mình rất ngoan, sủa ít lắm, có sủa thì sủa ban ngày chứ không sủa đêm. Chủ nhà để chó sủa inh ỏi vào ban đêm sẽ bị kiện ra tòa, bị phạt vài trăm euro và con chó sẽ bị thu giữ".
Bà Claire cho biết, kể cả ngựa hí to vào đêm cũng bị cấm theo điều luật ở quê hương. Tôi giải thích cho bà rằng Việt Nam cũng có dự thảo luật về xử lý tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi, nhưng theo tôi điều này rất khó khả thi.
Tôi kể cho bà Claire về tiếng gà gáy lúc tinh mơ. Đây cũng là một trong những âm thanh mà tôi không nhớ nổi bao lần khách Tây phản ánh cảm thấy phiền toái khi đang say giấc.
Một lần ở Ninh Hải (Ninh Bình), một nữ du khách vồn vã kể với tôi từ sáng sớm: "Anh đây rồi, ôi anh không thể tưởng tượng được đâu, 3 giờ sáng nay gà đã gáy. Chúng tôi bị đánh thức và không thể nào ngủ lại được". Chồng của bà nói thêm: "Đúng đấy, đầu tiên là một con, sau vài con thi nhau gáy. Gà ở đâu mà lắm thế!".
Bên tách cà phê sau bữa sáng, tôi giải thích với vợ chồng vị khách người Thụy Sĩ về tiếng gà gáy đặc trưng của miền quê Việt Nam. Về thời của bố mẹ tôi, khi mọi thứ còn thiếu thốn, tiếng gà như chiếc đồng hồ báo thức. Tiếng "ò, ó, o" họ nghe thấy chính là những chữ cái đầu tiên trẻ em Việt Nam học vần trong ngày đầu cắp sách đến trường.
Tôi bảo họ: "Ông bà sẽ quen. Dù có thể rất phiền phức nhưng mỗi âm thanh đều là một trải nghiệm khám phá trong hành trình ghé thăm đất nước chúng tôi". Rồi tôi đã bắt gặp rất nhiều tiếng cười mỗi sáng sau đó của họ. Thay vì bắt đầu bằng câu "Ông bà ngủ ngon chứ?", thì tôi hỏi "Ông bà còn được nghe thấy tiếng gà gáy nữa không?".
Đăng Tú