Lần đầu tiếp xúc với đồng tiền mới lạ, phải nhận biết những khác biệt quá lớn về tỷ giá, đa dạng trong các mệnh giá tiền của Việt Nam, không ít khách Tây rơi vào những tình huống dở khóc dở cười. Một trong những lần như thế vào buổi sáng diễn ra cách đây 5 năm. Tôi, một hướng dẫn viên, vừa đặt chân vào khách sạn để đón khách đi thăm Hạ Long (Quảng Ninh) thì gặp cảnh tranh cãi giữa một khách nam trong đoàn của mình với lễ tân. Để trả 360.000 đồng phí dịch vụ giặt là và đồ uống, vị khách rút ra 2 tờ 200.000 đồng. Không có gì đáng nói nếu 2 tờ tiền trên không phải là... tiền âm phủ. Lễ tân cố gắng giải thích nhưng vị khách vẫn không chịu nghe.
Tôi phải can thiệp để tháo gỡ những hiểu lầm giữa khách với lễ tân. Hóa ra, tối trước đó, đoàn khách của tôi được xếp lịch trình thời gian tự do. Vị khách trên và vợ chủ động bắt taxi đến một nhà hàng ở hồ Tây (Hà Nội). Taxi chiều về hết 50.000 đồng, họ trả bằng tờ 500.000 đồng và lái xe thối lại 2 tờ 200.000 đồng tiền âm phủ cùng với tờ 50.000 đồng tiền thật. Cặp khách Bỉ dính cú lừa ngoạn mục của tài xế taxi mà không hề biết. Họ không nhớ được hãng hay số xe taxi ấy.
Câu chuyện này không xảy ra với riêng khách trong đoàn của tôi, đồng nghiệp cũng chia sẻ không ít trường hợp khách quốc tế "ăn quả đắng" tương tự từ một số tài xế taxi tại Việt Nam. Kể từ đó, tôi luôn coi sự có mặt của những tờ tiền âm phủ là một phần quan trọng trong lời giới thiệu khi đón khách từ sân bay về khách sạn để bắt đầu một hành trình tham quan.
Một lần khác, một nữ du khách Pháp trong đoàn đi Mai Châu (Hòa Bình) của tôi vô tình tiêu tiền giả. Khi khách trả tiền cho một món hàng thổ cẩm, người bán hàng phát hiện tờ 500.000 đồng giả liền gọi tôi lại, nhờ phiên dịch. Tôi kiểm tra ví của nữ du khách, thấy có thêm 2 tờ tiền giả giữa xấp 500.000 đồng.
Theo lời vị khách Pháp, trước đó bà cùng bạn đổi 200 euro trong một cửa hàng vàng bạc treo biển Exchange Money (Đổi tiền) họ tình cờ thấy trong phố cổ Hà Nội. Chủ cửa hàng đưa cho họ 10 tờ 500.000 đồng cùng với một số tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với khách châu Âu, tôi đoán 2 vị khách nữ trong đoàn đã bị lừa. Tôi giải thích cho các vị khách, có thể chủ cửa hàng vàng bạc đã khôn khéo cài 3 tờ tiền giả vào xấp tiền mà họ không biết.
Sau nhiều năm làm hướng dẫn viên, tôi nhận thấy việc chi tiêu tiền Việt gây không ít khó khăn với du khách nước ngoài. Chẳng hạn như khi trả một món hàng 130.000 hay 170.000 đồng, họ phải quy đổi ra tiền nước họ là bao nhiêu. Mấu chốt ở đây là sự khác nhau tới 4 con số 0 giữa tiền Euro hay USD so với tiền Việt, chữ "nghìn" là một đơn vị lớn ở nước họ trong khi giá trị 1.000 đồng vẫn rất nhỏ ở Việt Nam.
Rất nhiều du khách vẫn nhầm lẫn tờ 500 hay 1.000 đồng có mệnh giá lớn, và không khỏi ngạc nhiên khi thấy người Việt đặt vô số tờ 500, 1.000, 2.000, 5.000 và cả 10.000 đồng lên ban thờ trong đền chùa. Cũng không ít lần, tôi phải khuyên các du khách không nên nhặt những tờ 500 hay 1.000 đồng dưới mặt đường. Bởi họ cứ cặm cụi lượm những tờ tiền lẻ, gấp phẳng phiu cẩn thận cho vào ví. Tôi phải giải thích rằng những tờ tiền ấy có thể do dân địa phương chủ động ném ra khi vô tình bắt gặp người tử vong vì tai nạn giao thông. Hành động rải tiền lẻ cũng là để tiễn biệt và cầu an cho người vừa khuất.
Cũng vì khó ghi nhớ mệnh giá, một vị khách châu Âu trong đoàn của tôi tip nhầm 500.000 đồng cho người đạp xích lô tại Hà Nội. Khi kể lại cho tôi, ông vẫn chưa định hình rằng Việt Nam lại có một tờ tiền mệnh giá lớn đến thế và bộc bạch chỉ muốn tip khoảng 50.000 đồng cho bác tài. Đó là lần duy nhất trong nghề, tôi bất đắc dĩ phải gọi điện cho đơn vị kinh doanh xích lô, đề nghị hoàn lại 450.000 đồng cho khách.
Thực tế, áp lực khi phải chi tiêu tiền Việt với người châu Âu lớn đến mức có khi khách phó mặc cho hướng dẫn viên. Trong hành trình khám phá vùng cao 7 ngày, một nữ du khách 60 tuổi đưa ví của bà cho tôi và nói: "Ví của tôi đây, anh giữ cả đi. Khi tôi cần tiêu gì anh cứ rút ra trả hộ tôi, phải tính toán để trả tiền và hoàn lại thì tôi đến chết mất". Tôi từ chối và dặn bà cứ yên tâm bởi mình luôn ở bên cạnh hỗ trợ. Thực sự, tôi thông cảm cho vị khách này, khi chứng kiến bà rối bời từ lúc mua chai nước đến trái cây, bởi mọi thứ không phải lúc nào cũng được trả bằng tiền chẵn.
Một lần khác, tôi nhớ mãi khuôn mặt đầy phấn khích của một người đàn ông 50 tuổi đến từ Pháp khi vị khách này bước ra từ quầy thu đổi ngoại tệ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ông ta gặp tôi, chìa tay ra và nói: "Xin chào anh, xin chào Việt Nam! Vừa đặt chân đến Việt Nam, tôi đã là một triệu phú!".
Đăng Tú