Dưới đây là chia sẻ của anh Đăng Tú, 41 tuổi, hướng dẫn viên chuyên dẫn khách quốc tế, về cảm nhận của du khách trước vấn đề rác thải tại Việt Nam.
Trong hơn 10 năm làm nghề, điều tôi cảm thấy ngại ngùng nhất với bạn bè quốc tế là hành động xả rác bừa bãi của một số người dân. Một người phụ nữ đi từ trong ngõ nhỏ ra quăng túi rác xuống lòng đường, anh xe ôm hút hết điếu thuốc rồi vứt đầu lọc ngay dưới chân, một bà mẹ lau mũi cho con và vứt mảnh khăn ướt xuống vỉa hè... là những hình ảnh quá quen thuộc. Họ làm điều đó ngay trước mắt đoàn khách nước ngoài. Khách Tây nhìn thấy và đều chú ý, họ không nói gì nhưng tôi biết họ cảm thấy khó chịu qua những cái nhíu mày rất khẽ.
Nhiều lần, tôi từng ước mình có thể tàng hình để đỡ xấu hổ. Tôi cũng từng giải thích rằng, không phải tất cả người dân Việt Nam đều như thế. Những người mà họ nhìn thấy chỉ là số ít, và hiện giờ rất nhiều người Việt đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần dẫn đoàn khách Canada. Khi giữa chúng tôi trở nên thân thiết hơn, tôi trò chuyện với họ về chủ đề môi trường. Cuối buổi giao lưu, cả đoàn liệt kê cho tôi những kiểu vứt rác ở Việt Nam mà họ chứng kiến. Một du khách kể rằng họ nhìn thấy hai bạn trẻ ăn kem rồi vứt que xuống đất trên phố đi bộ Hồ Gươm, trong khi thùng rác cách họ vài bước chân. Một khách khác giật mình trước cảnh rác vương vãi trong quán vịt quay. Chủ quán đặt nhiều chiếc giỏ nhựa đựng rác phía dưới bàn, nhưng nhiều người lại ném thẳng xuống chân họ. Trên quốc lộ, chai nhựa, giấy kẹo... "đập thẳng" vào mắt những du khách nước ngoài.
Điều tôi thấy may mắn nhất là các vị khách quốc tế không... nhập gia tùy tục theo hành động xả rác này. Trong hơn 10 năm, tôi từng dẫn hơn chục nghìn du khách châu Âu và chưa thấy ai ném rác xuống đường. Trong một lần đoàn chúng tôi dừng chân mua kẹo lạc. 20 vị khách cùng bóc kẹo ăn, sau đó một số bỏ vào ngăn nhỏ của túi xách, số khác bỏ vào túi quần. Về đến khách sạn, họ lần lượt lấy vỏ kẹo ra và cho vào thùng rác trong sảnh. Vỏ chai nước, túi ni lông và khăn ăn đã dùng cũng được lấy từ trong túi xách ra và bỏ đúng nơi quy định. Tôi cũng chưa từng gặp vị khách tây nào nhả bã kẹo cao su xuống đường hay "tiện tay" dán lên gầm ghế xe ôtô. Xe bus chở khách du lịch châu Âu thường rất sạch, cuối mỗi buổi chúng tôi không phải ở lại để dọn rác do họ vứt ra. Nhiều du khách còn cười nói với tôi: "Xả rác là có tội".
Không chỉ khách lớn tuổi, khách nhí cũng rất có ý thức bảo vệ môi trường. Tháng 11 trong năm thường là thời điểm tôi dẫn đoàn có nhiều trẻ em đi cùng nhất. Đây là thời điểm trẻ em được nghỉ học. Những đứa trẻ luôn có điểm chung là không bao giờ vứt rác ra đường. Một lần, cô bé Sophie, 7 tuổi đến từ Pháp đã hỏi tôi "Vì sao người lớn hay khạc nhổ ra đường?". Tôi đã bối rối và không thể trả lời cô bé, đành xin "nợ" cô bé một câu trả lời.
Đăng Tú