Thiếu nhân viên, khó khăn trong khâu hậu cần và phân phối là những nguyên nhân gây khó khăn cho nỗ lực cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho 13 triệu dân bị phong tỏa ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, giới chức địa phương nói trong cuộc họp báo hôm nay.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề thiếu nhân viên và cấp thẻ thông hành cho các phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm", Chen Jianfeng, quan chức thành phố Tây An, cho biết.
Ông nói rằng chính quyền địa phương cũng vận động doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hỗ trợ cộng đồng, đồng thời cử các nhóm giám sát chợ đầu mối và siêu thị.
Một ngày trước đó, nhiều cư dân Tây An đã lên mạng kêu gọi được giúp đỡ mua thực phẩm và nhiều thứ cần thiết khác, trong khi một số người phàn nàn rằng khu họ ở không cho phép họ ra ngoài dù đã hết lương thực.
"Chúng tôi phải sống thế nào? Chúng tôi ăn cái gì", một người dùng viết trên Weibo, nền tảng tương tự Twitter. "Vài ngày trước, chúng tôi có thể ra ngoài một lần để mua hàng tạp hóa nhưng điều này đã bị hủy. Tất cả các ứng dụng mua sắm trực tuyến đã hết hàng hoặc quá tải".
13 triệu dân Tây An đã trải qua ngày thứ 7 bị phong tỏa sau một đợt bùng phát ca nhiễm ở địa phương. Theo quy định ban đầu, người dân có thể ra ngoài ba ngày một lần để mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, ngày 27/12, giới chức thành phố tăng cường các biện pháp hạn chế, yêu cầu nhiều người dân không được rời khỏi nhà trừ đi xét nghiệm Covid-19.
Ít nhất 7 người ở Tây An đã bị bắt vì không tuân thủ các biện pháp hạn chế, gây rối trật tự và tung tin sai lệch, theo truyền thông địa phương.
Thành phố Tây An đã ghi nhận hơn 960 ca nhiễm kể từ ngày 9/12. Dù số ca nhiễm mới ở Trung Quốc khá thấp so với tình hình ở châu Âu hay Mỹ, giới chức nước này vẫn áp dụng chính sách "không Covid" nghiêm ngặt, như đóng biên giới, phong tỏa diện rộng và xét nghiệm hàng loạt mỗi khi phát hiện ca nhiễm. Trung Quốc đã ghi nhận gần 101.700 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Thanh Tâm (Theo AFP)