Cuốn Truyện Kiều 2015 kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Bản thảo sách do Hội Kiều học hiệu khảo theo tám bản Truyện Kiều chữ Nôm mà họ cho là đáng tin. Sách mới chỉ phát hành phục vụ hội thảo quốc tế về Nguyễn Du do Viện Hàm lâm Khoa học Xã hội và UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức hôm 8/8, chưa được phát hành trên thị trường.
Khi vừa ra mắt tại hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số chi tiết chưa thỏa đáng. Nổi bật trong đó là chú thích từ "ca nhi" trong câu "Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi", bằng cụm từ "con trai hát". Chú thích này khiến nhiều người suy luận giới tính của Đạm Tiên đã bị thay đổi.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, với các sai sót trong sách, dù có thể dùng thủ thuật cắt dán hoặc in đính chính, đơn vị xuất bản cho rằng làm như vậy là thiếu kính trọng với đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì thế, NXB tiêu hủy số ấn bản cũ, in lại 2.000 ấn bản mới đã được chỉnh sửa.
Để có ấn bản mới này, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Sử cùng ban Văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam đã miệt mài làm việc trong một thời gian khá dài. Văn bản này còn được ban thẩm định gồm Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Nho Thìn và Tiến sĩ Trần Trọng Dương thẩm định, góp ý để nâng cao chất lượng.
Truyện Kiều bản mới có chú thích rõ và gọn, không lạm dụng các dẫn liệu, từ ngữ và điển cố, hạn chế các trích dẫn không cần thiết từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để chú giải Truyện Kiều. Sách cũng phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Kiều thông dụng. Ấn phẩm này có thể được xem như một từ điển chữ Nôm - quốc ngữ, nhờ vào sự dồi dào phong phú vốn từ của truyện thơ. Về hình thức, sách được in trên chất liệu giấy xốp nhẹ, các minh họa được sưu tầm từ nhiều văn bản Kiều cổ, có tính mỹ thuật cao.
"Hầu hết chữ, từ, âm chọn lựa đều được nhất trí cao. Song do tính chất phức tạp của công việc, do trình độ hạn chế, nên công trình khó tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong giới học giả và bạn đọc xa gần góp lời chỉ giáo để chúng tôi có thể bổ chính, sửa chữa trong những lần in sau. Như các soạn giả đã trần tình trong lời nói đầu sách, 'công việc hiệu khảo Truyện Kiều không bao giờ có thể coi là hoàn tất, và văn bản thứ hai này của Hội Kiều học Việt Nam chưa phải là văn bản cuối cùng', nhưng đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của một tập thể cầu thị", ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.
Thất Sơn