Truyện Kiều 2015 là ấn bản đặc biệt kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du. Đây là bản in song ngữ gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Nhóm biên soạn có tám người thuộc Hội Kiều học chia nhau làm các công việc cụ thể. Ông Nguyễn Khắc Bảo là người đưa ra văn bản, chú thích, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Sơn soát lại các chú thích và góp ý.
Ấn bản phát hành hôm 8/8, được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng cho các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về Nguyễn Du. Ngay lập tức, nhiều sai sót trong văn bản này được phát hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM chỉ ra một lỗi trong phần chú thích. Trang 29 có câu "Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi", phần chú thích viết: "Ca nhi: Tống thư có câu: 'Ca nhi, vũ nữ' (Con trai hát, con gái múa)". Theo Tiến sĩ Giang, chú thích như vậy dễ gây hiểu lầm "ca nhi" là "con trai hát", suy ra hiểu lầm Đạm Tiên là người con trai hát.
Khi được hỏi vì sao lại chú thích như vậy, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Sơn - thành viên nhóm biên soạn - khẳng định lúc đọc chú thích, ông đã đánh một dấu hỏi vào bản thảo chỗ "ca nhi" để nhóm xem xét. Tuy nhiên, khi bản thảo đi in đã bỏ qua thắc mắc của ông.
Ông Vũ Ngọc Khôi - thư ký nhóm biên soạn - cho biết đây là một lỗi đánh máy. Theo ông Khôi, bản thảo chỉ chú là "con hát, con gái múa". "Người đánh máy gõ thêm vào chữ 'trai', thành ra 'con trai hát' cho câu thêm cân xứng" - ông Vũ Ngọc Khôi nói. Thừa nhận có sai sót trong chú thích, ông Khôi hứa sẽ đính chính.
Bên cạnh đó, văn bản của Hội Kiều học còn thiếu nhất quán khi hiệu khảo, sai lệch giữa văn bản tác phẩm và mục từ tra cứu, cùng các lỗi trình bày không đúng quy cách.
Một số chỗ trong văn bản tỏ rõ sự tham chữ, đưa vào sách những chú thích không đáng có. Ví dụ, trang 33 có câu: "Rút trâm sẵn giắt mái đầu", chữ trâm đã dễ hiểu nhưng sách vẫn đưa một câu khác trong Dịch Dự truyện để giải thích đó là món trang sức cài tóc, khiến văn bản thêm rối.
Công việc hiệu khảo của sách không theo nguyên tắc nhất quán. Ngay Lời nói đầu, nhóm biên soạn nêu họ chọn tám bản Truyện Kiều chữ Nôm để hiệu khảo, ngoài ra tham khảo một số bản khác. Tuy nhiên, ở phần Khảo dị, nhiều chỗ cho thấy nhóm biên soạn không chỉ dựa vào tám bản chữ Nôm như ban đầu đưa ra. Tiêu biểu, phần khảo dị câu thơ số 492 ("Nhột lòng mình cũng nao nao lòng người"), nhóm biên soạn đã dựa vào 14 bản Truyện Kiều khác nhau.
Câu chữ luôn là vấn đề muôn thuở gây tranh cãi khi biên soạn Truyện Kiều. Một câu thơ của Nguyễn Du, có người cho rằng viết chữ này thì mới hay, người khác cho dùng chữ kia mới tuyệt. Ấn bản của Hội Kiều học cũng không ngoại lệ. Sách gây tranh cãi ở nhiều chữ, ví dụ câu 1054 viết: "Om thòm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Câu này được in trong sách giáo khoa, và nhiều người biết tới với phiên bản: "Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi".
Hay như câu 61 sách này viết: "Tấc gang đồng tỏa nguyên phong". Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều từng có ý kiến về vấn đề này. Theo học giả, viết là "động khóa nguồn phong" (cái động bị khóa kín, nguồn nước bị bọc kín) mới đúng cách phiên chữ Nôm. Cách viết của Hội Kiều học "đồng tỏa nguyên phong" chỉ cái khóa bằng đồng đã niêm phong chặt chẽ, tương tự như "cửa đóng then cài".
Phần Danh mục từ tra cứu cuối sách góp phần thể hiện sự khập khiễng trong cách biên soạn. Trong danh mục đưa ra chữ "ầm ầm" được sử dụng trong câu 1054, tuy nhiên, tra ngược lại văn bản, sách viết: "Om thòm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi", chứ không phải là "Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Như vậy, phần "danh mục từ tra cứu" không được biên soạn dựa theo văn bản nhóm đưa ra.
Ngoài các vấn đề về chú thích, hiệu khảo, làm danh mục từ tra cứu, văn bản của Hội Kiều học còn vấp nhiều chỗ không đúng quy cách trình bày. Có đoạn không phải tên tác phẩm, nhóm biên tập vẫn dùng chữ in nghiêng, có những chỗ cuối câu không dùng dấu chấm.
Phó Giáo Sư Nguyễn Hữu Sơn cho biết ông đã đưa ra lời cảnh báo cả nhóm biên soạn cùng phía nhà xuất bản về những hạt sạn trong sách. Nhưng do thời gian in quá gấp nên ấn bản vẫn được phát hành.
Ông Vũ Ngọc Khôi nêu quan điểm: "Một văn bản đưa ra có thể có người không đồng lòng. Chúng tôi muốn được những nhà nghiên cứu phát hiện chỗ khiếm khuyết, tranh luận với ban biên soạn. Nếu có phản ứng mang tính khoa học, thuyết phục, chúng tôi sẽ tiếp thu, sửa chữa". Theo ông Khôi, trong quá trình biên soạn, nhóm đã phát hiện ra khoảng 1.000 chữ không giống nhau giữa các bản Truyện Kiều. Từ đó họ mạnh dạn thay đổi khoảng 400 chữ so với bản Truyện Kiều do Đào Duy Anh hiệu khảo - vốn là bản phổ biến hiện nay.
Lam Thu