Năm 2013, Summer Steer (Australia) 4 tuổi qua đời vì mất máu nghiêm trọng sau vài ngày nuốt phải một cục pin cúc áo. Trước đó, cô bé giấu với gia đình nên không ai biết Summer đã ăn thứ gì. Summer được đưa đến bệnh viện khi có các đợt xuất huyết nặng. Đến lúc cô bé qua đời, đội ngũ y tế tìm thấy cục pin cúc áo mắc lại thực quản bệnh nhi.
Cái chết của Summer dấy lên nhiều câu hỏi về việc sử dụng pin cúc áo tại các gia đình có con nhỏ. Theo The Conversation, tai nạn ở trẻ em liên quan đến pin cúc áo xuất hiện từ những năm 1970, ngày nay càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng do lượng sản phẩm sử dụng loại pin này tăng lên (như đèn pin, điều khiển từ xa, chìa khóa ôtô, đồ trang trí, nến nhân tạo). Những cái chết thương tâm xảy ra do trẻ nuốt phải các loại pin 3V với chiều rộng tầm 20 mm. Các loại pin nhỏ hơn cũng có thể gây ra những vết thương rất nặng.
Pin cúc áo có thể gây tổn thương như thế nào
Khi một viên pin tròn tầm 1,2 V trở lên khi lọt vào môi trường ẩm bên trong cơ thể người (thường là tai, mũi hoặc thực quản), dòng điện sẽ được sản sinh ra. Nó phá vỡ các phân tử nước, sinh ra hydroxide và khí hydro.
Các phân tử ion hydroxide ăn mòn mô và gây ra hiện tượng "hoại tử nước". Các loại pin lithium tuổi thọ lên tới 10 năm và có thể sản sinh ra dòng điện đủ lớn để giết người kể cả khi không còn hoạt động. Khác với các loại pin tròn, pin trụ thường khó nuốt hơn, hai đầu pin cũng xa nhau và nếu lỡ nuốt thì có thể trôi qua các cơ quan mà không mắc lại.
Hầu hết tai nạn liên quan đến pin cúc áo do pin mắc lại thực quản và ăn mòn động mạch chủ hoặc các mạch máu chính khác, gây xuất huyết nghiêm trọng. Nhiều trẻ tử vong, một số khác tuy còn sống nhưng cũng chịu nhiều chấn thương nặng nề.
Pin cúc áo có thể làm thủng thực quản trong vòng hai giờ nên dù nhanh chóng được bác sĩ lấy ra vẫn để lại hậu quả. Trẻ nuốt pin cúc áo thường phải điều trị lâu dài, thậm chí phải mổ.
Làm gì khi trẻ nuốt phải pin cúc áo
Cố gắng giữ pin cúc áo khỏi tầm tay trẻ em. Hạn chế mua sản phẩm sử dụng loại pin này hoặc nếu bắt buộc phải mua thì chọn loại tuổi thọ cao đồng thời giữ pin cẩn thận.
Khó phát hiện khi trẻ nuốt hay nhét pin vào người do các triệu chứng giống với một số bệnh thường gặp khác. Vì thế, cần để ý xem bé có ho mạnh tăng dần, chảy nước dãi, nôn, bỏ ăn, nôn ra máu (bãi nôn màu đỏ hoặc đen), chảy mủ từ mắt, tai, mũi hoặc bị sốt hay không. Nếu có, hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Ngọc Khuê