Kể từ đêm đó, tôi bỏ hết mọi kỳ vọng, tập yêu "những gì chưa hoàn hảo của con". Tôi cũng chuẩn bị tâm thế cho hành trình bảo vệ con trước những cái nhìn ác cảm.
Sau khi chia sẻ câu chuyện "Con tôi tự kỷ" trên mục Góc nhìn, tôi nhận được rất nhiều yêu thương từ những người xung quanh, đặc biệt hơn là từ những người xa lạ, kết nối với tôi qua mạng xã hội. Họ sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ để chia sẻ câu chuyện của con, cháu hoặc của những người láng giềng đồng cảnh ngộ, với hy vọng gia đình tôi được tiếp thêm sức mạnh và kinh nghiệm chăm sóc "thiên thần đặc biệt".
Tôi ấn tượng với một người mẹ. Chị là luật sư nhưng đã bỏ công việc, lặn ngụp hàng giờ trong hồ bơi giúp con dạn nước, để em không còn sợ mỗi khi phải tắm, mỗi lần phải đánh răng. Chị còn đến trường chia sẻ câu chuyện của con mình với hiệu trưởng, thầy cô giáo, bạn bè cùng lớp con, với cả chị lao công, chú bảo vệ để họ hiểu và ứng xử đúng cách với con. Bằng sự kiên trì đó, cậu bé sợ nước ngày nào giờ là một thanh niên bơi giỏi, từng thi đậu vào trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội và hiện là sinh viên hạng ưu.
Cô bạn thời cấp hai cũng liên lạc với tôi. Con bạn đang học lớp 7 và vừa được vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường. Thành tích này như một giấc mơ, bạn từng không dám nghĩ sẽ có ngày thành hiện thực với cậu con trai bốn năm không giải nổi bài toán "Lan có năm quả cam. Lan cho bạn hai quả, còn lại mấy quả?". Bạn kể thêm, khi con bốn tuổi, bạn phát hiện con bị rối loạn ngôn ngữ, một dạng phổ tự kỷ. Hai vợ chồng bạn đã dịu dàng lắng nghe, tập nói, sửa sai cho con. Sau hơn bốn năm như vậy, cậu bé mới hết sợ bài toán "Lan cho bạn quả cam".
Con tôi cũng vậy. Đã hơn sáu tuổi nhưng mỗi lần thấy ngứa, cháu sẽ nói: "Mẹ lấy cho con gãi ngứa". Một câu nói không hoàn chỉnh, nhưng với vợ chồng tôi đó là cả một thế giới dễ thương. Và để đạt đến sự tiến bộ đó, chúng tôi đã phải trải qua hành trình dài, nhiều nước mắt để tập hiểu ngôn ngữ, diễn đạt của cháu.
Con không biết thể hiện tình cảm, chúng tôi tập cho con thể hiện tình cảm. Đến nay, cháu vẫn chưa biết hỏi "cha đi làm về có mệt không?" như những bạn nhỏ cạnh nhà. Nhưng mỗi lần nghe tiếng xe tôi ngoài ngõ, cháu biết nói với mẹ "ba về"; hoặc cười thật tươi, chạy một vòng, rồi nhìn vào giỏ xe xem ba có mua cho mình món đồ yêu thích không.
Tôi tập cho cháu cách thể hiện tình cảm bằng một nụ hôn. Mỗi lần mê chơi, cháu hôn vội bố mẹ, tôi nhẹ nhàng nhắc con "như thế đã đủ yêu thương chưa?" Lúc ấy, cháu sẽ hít một hơi sâu, hôn thật mạnh, tạo ra tiếng "chụt" thật lớn.
Với những đứa trẻ cùng tuổi, điều này chẳng có gì đặc biệt để kể ra. Nhưng với chúng tôi, những ông bố bà mẹ đặc biệt, thì đó là cả một sự tiến bộ phi thường. Mỗi ngày con thay đổi, mỗi ngày con thể hiện khác đi, là một ngày hạnh phúc. Thay vì kỳ vọng những điều lớn lao, viển vông, tôi quen dần với việc đón nhận những sự dễ thương như vậy.
Chúng ta vẫn thường dùng phép so sánh. Thằng bé ba tuổi rồi mà chưa biết nói. Nuôi dạy thế nào mà nó gầy guộc đến như vậy... Đó là vì chúng ta sợ bị người khác đánh giá, sợ bị nhận xét là cha mẹ tồi, nuôi con tệ. Nhưng, chúng ta ít tự hỏi mình là ai trong quá trình hoàn thiện và trưởng thành của con.
Nuôi dạy con không phải là một hành trình dễ dàng với bất cứ ông bố bà mẹ nào. Nuôi dạy một đứa trẻ tự kỷ sẽ nhân lên gấp bội mọi thứ: khó khăn, thách thức, sự tuyệt vọng và cảm giác xót xa...
Mỗi chúng ta đến với thế giới này bằng những lý do khác nhau. Ai cũng có khiếm khuyết, ai cũng cần thời gian học tập để hoàn thiện, trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Những đứa trẻ tự kỷ càng cần nhiều thời gian và nỗ lực của người thân hơn trong chặng đường trưởng thành. Mỗi trẻ tự kỷ, tùy mức độ, sẽ phù hợp với một "giáo trình riêng" nhưng trước hết và trên hết, yêu thương là thứ đáng giá nhất để bù đắp cho những điều các cháu bị thiệt thòi.
Yêu thương và đủ kiên nhẫn, cha mẹ sẽ nhận được sự dễ thương từ những đứa trẻ mỗi ngày, để đến một ngày nào đó, chính chúng ta thậm chí cũng ngỡ ngàng trước thành quả con đạt được, sau hành trình nhọc nhằn mà đầy yêu thương mà mình đã cùng con bước qua.
Nguyễn Nam Cường