Nước tro tàu có tính kiềm nên rất dễ gây bỏng nặng như axit đậm đặc nếu không may uống phải, thậm chí có nguy cơ tàn phá cơ thể.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết nước tro tàu truyền thống chính là nước tro bếp, lấy tro của than củi hòa với nước. Tro than củi chủ yếu là các chất khoáng, calci, kali (potassium), phosphate... Do đó nước tro tàu có tính kiềm, bản chất là dung dịch kiềm yếu.
Nhiều loại bánh truyền thống của Việt Nam như bánh ú tro, bánh đúc, bánh tẻ... được làm với nước tro tàu này để tạo hương vị riêng. Cách làm là ngâm gạo với nước tro. Gạo là tinh bột, tính dai, khi ngâm vào nước tro sẽ bị thủy phân, mềm ra. Sau khi ngâm, gạn hết nước, sau đó rửa sạch gạo nhiều lần mới xay thành bột.
Qua thời gian, từ nước tro tàu, người ta pha chế thành dung dịch kiềm, dùng các hóa chất có tính kiềm cao như nước vôi canxi hydroxit (Ca(OH)2), Natri Hydroxit (NaOH), hoặc Natri Cacbonat (Na2CO3). Độ kiềm trong loại nước này rất mạnh, có thể cải thiện được hương vị và cả cấu trúc bánh. Nước kiềm này được sử dụng trong bánh làm cho vị bánh đậm hơn, làm bột dễ nhào nặn, mềm mại hơn, dễ kéo sợi tạo hình hơn.
Theo Phó giáo sư Thịnh, nước tro tàu chỉ ngâm cùng gạo sau đó đổ đi, không phải để nấu cùng với gạo nên không thể ăn và uống. Nếu dùng đúng cách, nước tro tàu không gây hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu chẳng may uống nhầm sẽ gây hại cơ thể.
"Vì nước tro tàu có tính kiềm nên rất dễ gây bỏng nặng như axit đậm đặc nếu không may uống phải, thậm chí có nguy cơ tàn phá cơ thể. Nhiều trường hợp uống nhầm bị bong tróc toàn bộ niêm mạc thực quản, xung huyết dạ dày, nguy cơ biến dạng thực quản, phải cấp cứu", phó giáo sư nhấn mạnh.
Cùng với đó, khi vô tình đổ nước tro tàu vào tay, chân, cho vào mắt đều nguy hại. Chúng ăn mòn trên các mô sống như thịt, da, giác mạc cực kỳ cao, nguy cơ gây sẹo, mù ngay sau khi tiếp xúc.
Vì vậy, khi sử dụng để làm bánh cần đọc kỹ hướng dẫn, cẩn thận khi thao tác rót mở trong nhà bếp, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi bị dung dịch dính vào da tay chân và cả mắt, cần xả trực tiếp với nước nhiều lần. Sau đó rửa qua những thứ trung hòa được kiềm như chanh và giấm.
Phó giáo sư cảnh báo nước tro tàu được làm theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp, chúng ta đều phải cẩn thận trong quá trình chế biến. Nếu lỡ uống, thì phải đi bệnh viện ngay, dù triệu chứng tổn thương không thấy rõ.
Nước tro tàu còn có khả năng bắt lửa cực lớn nên khi bảo quản cần để nơi khô ráo, thoáng mát, có nhiệt độ thấp và không nên để gần bếp lửa. Nên đậy kín trong các lọ thủy tinh để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không đựng trong các lọ làm bằng đồng, magie, thiếc, nhôm, kẽm vì chúng có thể gây ra phản ứng hóa học. Nên mua nước tro tàu ở những nơi uy tín và có nguồn gốc rõ ràng.
Thúy Quỳnh