Trả lời:
Người bình thường nước tiểu có thể có bọt, tuy nhiên bọt thường mất đi nhanh và lượng bọt còn tùy thuộc vào một số điều kiện như tốc độ đi tiểu, bàng quang quá đầy. Khi đó, bọt chỉ xuất hiện khi dòng chảy nhanh va đập vào bồn cầu. Đôi khi, nước tiểu cũng có thể có bọt khi bị cô đặc hơn, đặc biệt ở người không uống đủ nước hoặc bị mất nước, như sốt, mất nhiều mồ hôi, tiêu chảy...
Chất tẩy rửa toilet có trong trong bồn cầu cũng có thể làm cho nước tiểu có bọt.
Nước tiểu có nhiều bọt, lâu tan hoặc nước tiểu đục bình thường có thể do quá nhiều đạm (tức là protein). Đây cũng là một dấu hiệu của bệnh thận như suy thận, viêm cầu thận, hoặc sỏi tiết niệu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Một nguyên nhân khác là người nam bị xuất tinh ngược dòng. Đây là bệnh lý, xảy ra khi tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì được giải phóng qua dương vật.
Nếu nước tiểu có nhiều bọt, bọt lâu tan, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe cũng như tầm soát bệnh thận.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh
Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội