Lê Thị Thu Vân vốn là học sinh trường cấp 3 Nguyễn Tất Thành của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bố mẹ là kỹ sư, bản thân có năng khiếu học Toán, Vật lý, nhưng Vân lại chọn theo ngành xã hội ở đại học. Cô lý giải muốn tìm hiểu thế giới một cách tổng thể trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội… và khát vọng du học để trải nghiệm những điều mới mẻ nên chọn học khoa Quốc tế học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (khoá 2008-2012).
Xác định rõ mục tiêu của bản thân, từ năm nhất đại học, Vân đã tích cực bồi đắp những kỹ năng cần thiết cho việc xin học bổng như: tham gia hoạt động xã hội, lấy chứng chỉ IELTS, rèn khả năng lãnh đạo… "Em cố gắng không bỏ lỡ cơ hội nào được giao lưu với người nước ngoài và đã tham gia nhiều hoạt động với học sinh, sinh viên các trường như: Đại học Princeton (Mỹ), Raffles College (Singapore) hay mạng lưới đại học của Đông Nam Á. Em cũng giúp đỡ dịch thuật, làm hướng dẫn viên", cô nàng yêu thích cuộc sống năng động kể.
Năm 2009-2010, Vân được Hội Sinh viên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội tặng giấy khen vì những đóng góp tích cực trong công tác đoàn hội, tình nguyện. Cô sau đó trở thành Ủy viên Ban thư ký Hội Sinh viên Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sinh viên khoa Quốc tế.
Cùng kết quả học tập đạt 3,4/4 điểm trung bình học kỳ, có chứng chỉ tiếng Anh IELTS và khả năng trình diễn, nấu ăn tốt, Vân được chọn là một trong 5 đại diện của Việt Nam tham gia chương trình trao đổi văn hóa Mạng lưới đại học ASEAN-AUN Asian Cross Cultural Exploration Program 2011 tại Busan, Hàn Quốc. Cũng trong năm học đó, cô nhận được học bổng tới Đại học nữ sinh Fukuoka (Nhật Bản) nghiên cứu một năm theo chương trình trao đổi văn hóa The World of Japanese Culture.
Rời Nhật Bản với kết quả học tập đạt loại A, Vân bắt tay luôn vào hoàn thành chuyên ngành học nghiên cứu châu Âu ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và kết quả đạt 3,63/4. Cô sau đó có bài báo khoa học viết cùng cố TSKH Lương Văn Kế, được tham dự hội thảo việc làm tại Singapore.
"Cơn mưa rào" học bổng tiếp tục đến với Thu Vân khi năm 2013-2014 cô là sinh viên duy nhất nhận được học bổng Chính phủ Nhật Bản MEXT cho chương trình thạc sĩ tại Đại học Kyushu. Gói hỗ trợ của nữ sinh Việt Nam là toàn bộ học phí - khoảng 7.000 USD/năm và phí sinh hoạt 1.200 USD cho 12 tháng. Năm 2014-2015, Vân tiếp tục được trao học bổng trọn gói quỹ Tatsunoko (Nhật Bản), cung cấp sinh hoạt phí khoảng 1.000 USD cho 12 tháng và đài thọ tham quan, đi lại, họp báo đến các địa điểm tại Nhật cùng các khoản khác khoảng 5.000-10.000 USD/năm. Hai học bổng này chi trả cho quá trình học thạc sĩ 2 năm của Vân.
Ngoài ra, Vân còn nhận được học bổng hỗ trợ hoạt động học thuật thuộc chương trình CSPA cho báo cáo khoa học tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Phillipines của Đại học Quốc gia Kyushu khoá 2013-2015; học bổng từ Viện Liên minh châu Âu tại Nhật Bản - EUIJ cho hoạt động học thuật tại các nước EU năm 2014.
Với những gói hỗ trợ này, nữ sinh người Việt đã được trải nghiệm ở 11 quốc gia như: Pháp, Italy, Séc, Hà Lan, Nhật Bản, Malaysia… "Em không chỉ du lịch mà còn được tiếp xúc với những học giả, các nhân vật lớn, những người có kiến thức sâu rộng, khả năng mở mang và cho mình cái nhìn toàn cảnh về văn hoá, xã hội", cô nàng chuyên săn học bổng nói.
Nữ sinh người Việt cho biết, dù có thiên hướng xã hội nhưng thích tư duy logic và thấy được tầm quan trọng của việc hiểu biết luật pháp nên ở Đại học Kyushu cô đã theo học thạc sĩ tại khoa Luật. Không bỏ phí những gì mình trau dồi được ở thời sinh viên, Vân dành thời gian để lấy thêm chứng chỉ về nghiên cứu châu Âu của Viện Nghiên cứu châu Âu EUIJ.
Quá trình học tại Nhật, Vân gặp khó khăn lớn nhất là các giáo sư luôn đòi hỏi sự chính xác cao, cả về nội dung, hình thức và đi sâu từ vấn đề lớn cho đến tiểu tiết. Rất nhiều đêm cô đã không ngủ để sửa bài cho chính xác từng câu chữ, trình bày chuẩn format. Vân và các bạn ngày học nhóm ở thư viện, tối lại về làm tiếp ở nhà một ai đó đến khuya hoặc ăn ngủ luôn tại đó.
"Có những sinh viên làm việc cật lực đến nỗi đã đi từ ký túc đến trường nộp bài với đầu tóc rối bù, chân quên mang giày. Trong các buổi báo cáo, chuyện sinh viên mắt thâm quầng hoặc phát khóc vì đã rất cố gắng mà chưa đạt yêu cầu và bị chất vấn quá căng, là rất bình thường", Vân kể. Bản thân cô từng stress đến rụng tóc, lông mi thưa đi khiến bạn bè lo ngại, bắt uống thuốc bổ để hồi phục.
Là người trực tiếp giảng dạy Lê Thị Thu Vân tại khoa Luật (Đại học Quốc gia Kyushu, Nhật Bản), ông Hong Pyo Lee cho biết, cực kỳ thích thú khi làm việc với nữ sinh này. Vị giảng viên ấn tượng với những ý tưởng, suy nghĩ mới, sự tò mò mang tính trí tuệ và tính nghiêm túc trong các mục tiêu của nữ sinh Việt Nam.
"Điều cuốn hút đặc biệt ở cô ấy là tài năng cá nhân phong phú. Vân có thể hát, múa và nấu ăn. Điều này cùng với sự quảng giao khiến Vân trở thành một trong những phụ nữ trẻ Đông Nam Á quyến rũ nhất đến nghiên cứu, học tập tại Đại học Kyushu. Vân xứng đáng nhận lời cầu chúc của tôi cho một sự nghiệp lẫy lừng trong tương lai và tôi chắc chắn rằng cô ấy có tiềm năng trở thành một trong những người phụ nữ thành công nhất với sự nghiệp cống hiến cho lợi ích của Việt Nam và lợi ích cộng đồng sau này", thầy Hong Pyo Lee nói.
Dù đã có học bổng toàn phần song vì muốn học cách độc lập tài chính và để "chiều" sở thích du lịch, kinh doanh, Vân đã làm thêm nhiều công việc. Cô dạy tiếng Anh giao tiếp cho người bản địa, hướng dẫn viên cho các đoàn chính khách, khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản, MC và lễ tân cho hầu hết sự kiện của Tổng lãnh sự quán và Hội sinh viên Việt Nam... Các công việc này cùng với học bổng có thể mang đến cho Vân khoảng 1.400-1.900 USD/tháng, giúp nữ sinh thoải mái chi tiêu, thoả mãn đam mê du lịch và phụ giúp thêm cho gia đình.
Tháng 9 vừa qua, Vân đã hoàn thành khoá học thạc sĩ với 9/10 môn đạt điểm A, đồng thời lấy được chứng chỉ loại ưu về nghiên cứu châu Âu (tháng 11). Sau khi thực tập, cô mong muốn tìm được công việc tốt ở tổ chức quốc tế hay cơ quan truyền thông, giúp cô tích lũy được kinh nghiệm, mối quan hệ và khả năng tài chính để thực hiện ước mơ thành lập quỹ học bổng giúp đỡ các bạn trẻ.
Quỳnh Trang