Cao 1,7 m, làn da trắng, gương mặt xinh xắn, Bùi Thu Vân (24 tuổi) gây ấn tượng với những người từng tiếp xúc. Cô gái quê lúa Thái Bình còn khiến bạn học khâm phục bởi thành tích học tập đáng nể.
Sinh ra trong gia đình bố mẹ là giảng viên, bác sĩ tại Đại học Y Dược Thái Bình, từ bé Thu Vân đã chứng tỏ được năng khiếu học Hoá khi đạt nhiều thành tích thi học sinh giỏi ở môn này. Nhưng thay vì nối nghiệp gia đình, cô làm bố mẹ lo lắng khi chọn hướng đi riêng là theo ngành Kinh tế.
Năm 2009, Thu Vân thi đỗ hai đại học lớn là Kinh tế quốc dân (NEU) và Học viện Ngoại giao với 24 điểm khối A. Cô sau đó "chiếm" được một ghế ngồi trong lớp Tài chính tiên tiến khoá 51 của NEU khi hoàn thành xuất sắc bài sát hạch tiếng Anh.
"Học chương trình toàn bằng tiếng Anh với sự giảng dạy của 50% giáo viên nước ngoài, ban đầu mình gặp không ít khó khăn, rất nhiều lần bị căng thẳng bởi lịch học, hoạt động ngoại khoá và làm thêm dày đặc. Tự thúc đẩy bản thân cố gắng, cộng thêm nhóm bạn thân luôn ở bên giúp đỡ, cùng học tập nên sau đó mọi thứ đã ổn thoả", Thu Vân chia sẻ.
Với phương pháp học chăm trên lớp, về nhà đọc thêm sách, những chỗ chưa hiểu sẽ thảo luận nhóm hoặc hỏi thầy cô và thường xuyên giảng bài cho bạn khác để tự nhớ sâu kiến thức, Thu Vân luôn đạt được kết quả học tập đáng nể. Điểm số các môn như: Kế toán, Chiến lược kinh doanh, Phân tích chứng khoán, Thống kê kinh doanh… đều gần tuyệt đối. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Giỏi, cô lớp phó học tập còn nhận được bằng khen cho thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên khoá 2009-2013 của NEU.
Mong muốn được là giảng viên dạy chuyên ngành kinh tế bằng tiếng Anh, Thu Vân nộp hồ sơ xin học bổng du học. Vượt qua yêu cầu về điểm phẩy trên 8, thành tích ngoại khoá, bài luận nổi trội, nữ sinh Việt Nam gây ấn tượng mạnh với Bournemouth University (BU) - top 60 đại học hàng đầu vương quốc Anh, bởi bảng điểm đại học gần như tuyệt đối. Thu Vân sau đó trở thành một trong 2 sinh viên quốc tế được trường này trao học bổng hỗ trợ cao nhất cho khoá học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA).
"Mình nổi tiếng ở thư viện Bournemouth bởi hình ảnh mang giỏ đựng đồ trong siêu thị đi để lôi được nhiều sách từ trường về nhà và ngược lại", Thu Vân dí dỏm kể về thời gian học tập tại Anh. Chương trình học MBA ở đây rất nặng với số lượng học phần nhiều gần gấp đôi các khoa khác.
Có sinh viên đã khóc vì áp lực bài vở cao, có người phải lùi thời gian tốt nghiệp do không đủ sức khoẻ. "Bằng giờ này năm ngoái mình có 3 cái hạn nộp báo cáo trong một tuần. Trong nhóm có bạn làm phần của họ không tốt nên mình phải gánh thay. Dù mệt mỏi khi phải gồng hết sức làm việc nhưng sau đó mình nhận được sự nể trọng, lời cảm ơn từ những người bạn nước ngoài", Thu Vân chia sẻ.
Là người hay tạo áp lực cho bản thân bằng các mục tiêu, khi ở BU Thu Vân mong muốn lấy được bằng tốt nghiệp sớm nên nỗ lực học gấp nhiều lần mọi người. Một ngày đến trường của cô bắt đầu từ 9h sáng đến 17h chiều, sau đó ở lại làm việc nhóm, dự hội thảo đến 22h đêm. Nhiều hôm, Thu Vân chẳng nhớ mình đã ăn gì cho một ngày lao động miệt mài như thế.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ giúp Thu Vân lấy được bằng tốt nghiệp thạc sĩ sớm hơn bạn bè. Đặc biệt hơn, cô còn được Bournemouth trao chứng nhận là một trong 3 sinh viên có thành tích xuất sắc nhất khoa khoá 2014-2015.
"Vân chăm chỉ, làm việc có kế hoạch. Tôi yêu mến cô ấy bởi sự nghiêm túc trong công việc và nhiệt tình với mọi hoạt động của trường", tiến sĩ Milena Bobeva, Giám đốc Chương trình MBA, Đại học Bournemouth, nói.
Giảng viên cao cấp của trường, ông Barras Stone chia sẻ, đã rất ấn tượng với tấm lòng nhân ái và tinh thần vì cộng đồng của Thu Vân ngay lần gặp đầu tiên khi phỏng vấn du học ở Hà Nội. "Đôi khi bạn gặp một người, người mà bạn nghĩ có thể làm thế giới tốt đẹp hơn và Vân là một trong số đó. Bây giờ tôi với Vân là bè bạn. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện về việc học và mục tiêu tương lai của Vân", ông cho biết.
Không chỉ miệt mài học tập, cô gái có chiều cao người mẫu 1,7 m này còn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện, giao lưu, quảng bá văn hoá và hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. "Đặc sản" Vân hay mang ra giới thiệu là nghệ thuật truyền thống hát chèo mà cô đã học bài bản từ nhỏ, khiến "mọi người ấn tượng và nói nhất định sẽ tới Việt Nam".
Chứng nhận vàng "Gold Award" chương trình phát triển cử nhân thạc sĩ mà đại học Bournemouth lập để tính điểm cho sinh viên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, ngoại khóa, được trao cho Thu Vân là minh chứng rõ về những đóng góp của cô trong thời gian học tập tại Anh.
"Bố muốn mình làm bác sĩ để cứu giúp mọi người, nhưng mình nghĩ có nhiều cách giúp. Việc trở thành giảng viên để truyền thụ kiến thức cho người khác mang đến cho mình niềm vui khó tả - một cảm giác mà tiền không mua được", nữ thạc sĩ xuất sắc chia sẻ.
Trước đó, Thu Vân đã giúp đỡ bố mẹ bằng cách đi làm thêm từ chạy bồi bàn, dạy tiếng Anh cho người ngoại quốc mới sang, rèn kỹ năng nghiên cứu - viết luận... Mỗi tháng Vân kiếm được 500-1.000 bảng (tương đương 16-34 triệu đồng), đủ để tự trang trải phần chi phí ăn học còn lại.
Quỳnh Trang