Phạm Lê Tịnh Nhi đang học lớp 11 trường Quốc tế Givat Haviva tại Israel, sau khi giành học bổng chương trình Tú tài Quốc tế (IB). Cựu học sinh Văn, trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, chia sẻ trải nghiệm tìm kiếm học bổng và ứng tuyển thành công.
IB (International Baccalaureate - Dự bị đại học) là một trong ba chương trình phổ thông quốc tế phổ biến, bên cạnh AP (Advanced Placement - chương trình xếp lớp nâng cao) và A Level (Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông bậc cao). IB gồm: IB PYP (Primary Years Programme) dành cho lứa mẫu giáo đến 10 tuổi; IB MYP (Middle Years Programme) dành cho trẻ 11-15 tuổi và IB DP (Diploma Programme) cho học sinh 16-18 tuổi.
Với chương trình tú tài IBDP, học sinh không chỉ học kiến thức mà buộc phải tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu hay phục vụ cộng đồng. Chương trình sáu môn tự chọn thuộc ba cấu phần cốt lõi: Lý thuyết - Kiến thức (TOK), Sáng tạo - Hoạt động - Dịch vụ cộng đồng (CAS) và Bài luận chuyên sâu (EE).
Ông Faizol Musa - Giám đốc phát triển và công nhận chương trình IB khu vực Đông Nam Á - cho hay triết lý đào tạo tổng quát của IB là góp phần kiến tạo những cá nhân có thể chung tay cùng cộng đồng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, thông qua sự hiểu biết và tôn trọng các nền văn hóa khác biệt. Hiện chương trình này có mặt tại hơn 150 quốc gia.
"IB cho phép mở rộng lựa chọn, ngoài chương trình chính khóa, còn học được rất nhiều thứ khác nên đây là chương trình toàn diện", Nhi giải thích lý do chọn học IB.
Sau khi xác định hướng đi, nữ sinh Sài Gòn bắt đầu tìm hiểu trường và chính sách học bổng. "Cách phổ biến và hiệu quả nhất là vào trực tiếp các trường có chương trình học này. Hãy bắt đầu bằng các cụm từ như: 'IB schools in (tên nước bạn muốn đi)'. Khi đã có một số cái tên, bạn vào website của trường và tìm đến mục Admission hoặc Scholarship", Nhi hướng dẫn.
IB có giáo trình học, đề thi và bằng cấp được công nhận như nhau, dù học ở trường nào, nước nào. Do đó, Nhi khuyên nên thử sức với những nước hào phóng học bổng.
Nhi bắt đầu tìm hiểu từ cuối lớp 11, sau đó gửi bảng điểm, trả lời các thông tin cơ bản trên website theo yêu cầu của trường Quốc tế Givat Haviva. Vượt qua vòng đầu tiên, em dự phỏng vấn với đại diện tuyển sinh của trường, được yêu cầu gửi năm bài luận và hai thư giới thiệu.
Những ứng viên được chọn sẽ tham gia một workshop để giao lưu với học sinh khác từ khắp nơi trên thế giới. Tại vòng này, ứng viên có cơ hội thể hiện khả năng nghiên cứu, làm việc nhóm và sự tự tin khi đứng giữa tập thể. Lần ấy, Nhi đại diện nhóm phát biểu trước các bạn và thầy cô.
"Tại vòng cuối, trường hỏi kỹ hơn về em, để tìm hiểu tính tự lập, khả năng phù hợp với trường và cuộc sống du học", Nhi kể. Em đã thể hiện được màu sắc cá nhân khi cho thấy mình là người năng động, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở Việt Nam. Nhi trúng tuyển, giành học bổng 80% và tới Israel hồi tháng 9/2021. Đợt tuyển sinh năm ngoái của trường Givat Haviva, Việt Nam có ba học sinh, trong đó có Nhi, được chọn.
Nữ sinh lưu ý, ứng viên nên chuẩn bị hồ sơ từ sớm và kỹ càng. IB khó, đòi hỏi cao về mặt học thuật, do đó, bạn cần có tinh thần tốt và tìm hiểu kỹ để vượt qua được khó khăn trong quá trình học.
"Hãy trau dồi bản thân bằng cách trang bị cho mình vốn tiếng Anh vững, hiểu rõ các vòng tuyển chọn và luyện tập thật nhiều để tạo ấn tượng tốt với ban tuyển sinh", Nhi nói.
Nữ sinh vừa trải qua học kỳ đầu suôn sẻ, với thành tích 34/35 điểm và được các thầy cô cố vấn đánh giá cao. Điểm tối đa cho sáu môn học của IB là 42, tuy nhiên Nhi có một môn tự học là tiếng Việt cho nhóm ngoại ngữ hai và điểm môn đó không có trong học bạ. Do đó, điểm năm môn còn lại tối đa là 35.
Ở phần nhận xét môn Toán và Khoa học Máy tính, Nhi đạt điểm 7 (thang điểm của IB từ 1 đến 7). Thầy Assaf Dagai, giáo viên môn Khoa học Máy tính, khen Nhi chăm chỉ, tài năng, thể hiện ấn tượng trong học kỳ này cũng như bài thi cuối kỳ. Còn cô Tamar Eshel dạy môn Toán nhận xét: "Nhi rất thông minh, có mục tiêu học tập và hiểu các lý thuyết Toán học. Tiếp tục theo hướng này, em ấy có thể đạt được những kết quả xuất sắc".
Kết thúc chương trình IB tại Irsael, Nhi dự tính về nước và tiếp tục nộp hồ sơ xin học bổng đại học các trường trên thế giới.
Bình Minh