Phạm Lê Tịnh Nhi giành được học bổng trung học của trường Quốc tế Givat Haviva tại Israel khi đang học chuyên Văn, trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM. Tháng 9/2021, Nhi sang Israel học lớp 11, chương trình Tú tài Quốc tế (IB), và ở trong ký túc xá của trường.
Ba tháng sau khi đặt chân tới đất nước này, nhân kỳ nghỉ đông, Nhi và một người bạn có chuyến đi chơi bằng xe buýt đầu tiên, tới thăm tàn tích La Mã ở thị trấn Caesarea, địa điểm du lịch nổi tiếng của Israel, cách ký túc xá 13 km. Chuyến đi khiến hai nữ sinh Việt Nam có trải nghiệm hú vía.
Chuyến đi được lên kế hoạch chỉ từ nửa đêm hôm trước, khi họ xem dự báo thời tiết và biết hôm sau là ngày duy nhất không mưa trong tuần. "Israel thời điểm ấy mưa nhiều nên nếu không đi đâu vào một ngày tạnh ráo thì quả là lãng phí", Nhi giải thích.
Lập kế hoạch ngẫu hứng nên hai người bạn chưa có thẻ xe buýt, cũng không rành các tuyến đường. Cả hai mượn thẻ, hỏi cách nạp tiền, chuẩn bị bản đồ, hỏi đường, tìm chỗ đi... ngay trong đêm. 6h hôm sau, Nhi liên hệ bộ phận quản lý nội trú nhờ hướng dẫn rồi lên đường, với phương châm "chuyện gì xảy ra cũng có cách xử lý".
Lên xe buýt, sự chuẩn bị sơ sài khiến hai nữ sinh lần lượt phải "trả giá". Cô bạn đi cùng say xe nên Nhi buộc phải tự xoay xở. Xe đi được một quãng, do chưa thành thạo app chỉ đường, Nhi không biết mình đang ở đâu. Cô đưa điện thoại cho tài xế và những hành khách khác nhờ giúp đỡ nhưng không ai biết tiếng Anh. Nhi đành dùng Google dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hebrew để hỏi đường nhưng vô vọng.
"Em hoang mang, bối rối phát khóc trên xe buýt", Nhi kể.
Thấy hai nữ sinh đang cần hỗ trợ, một khách nữ gọi điện cho người bạn biết tiếng Anh để trao đổi với Nhi. Được chỉ dẫn xuống trạm đầu, em dần hiểu ra cách xem trên ứng dụng và lên chuyến thứ hai đến Caesarea.
Tham quan tới 16h, Nhi cùng bạn ra bắt xe buýt về trường. Lần này, cả hai lại xuống nhầm bến. Về đến ký túc xá lúc 18h, Nhi và bạn "méo mặt" vì vừa qua một trải nghiệm đáng nhớ.
Cuối kỳ nghỉ đông năm ngoái, hai bạn tiếp tục đi chuyến nữa. Lần này họ đã biết cách nhìn trạm, nhìn chuyến nhưng Nhi lại gặp tình huống dở khóc dở cười khi đi đúng ngày Shabbat.
Shabbat là "ngày nghỉ ngơi" theo Kinh thánh. Ở Israel, hai ngày nghỉ ngơi này rơi vào thứ sáu và thứ bảy. Từ chiều thứ sáu, mọi người, mọi việc đều sẽ vào trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, không xe buýt, không di chuyển, cho đến chiều thứ bảy. Những gia đình truyền thống thậm chí không sử dụng điện và điện thoại vào hai ngày ấy. Họ tập trung mọi năng lượng và thời gian cho việc nghỉ ngơi, đọc sách và kết nối gia đình.
Nhi cùng bạn đến Tel Aviv, thành phố lớn thứ hai ở Israel để tìm đồ ăn. Không quen đồ Trung đông, họ đến chợ châu Á ở thành phố này để tìm nguyên liệu về nấu. Nhưng hai nữ sinh không hề nhận ra hôm ấy là Shabbat cho đến khi ở Tel Aviv, và nghe tiếng chúc nhau "Shabbat Shalom" (Shabbat an lành) trên đường.
"Chúng em tá hỏa nhận ra hôm nay là thứ sáu. Nếu không bắt kịp chuyến cuối trước khi Shabbat đồng nghĩa với việc cả hai không về được trường", Nhi chia sẻ.
Mua sắm đến 16h, Nhi mở app ra và phát hiện, chuyến xe buýt cuối cùng về trường cách đó 3km. Họ chỉ còn ít phút để bắt xe.
"Em và bạn hoảng sợ, chạy tới nơi thì xe buýt đóng cửa, em phải hét to để tài xế nghe thấy và mở lại. Chậm 30 giây là em phải ở lại Tel Aviv", Nhi kể.
Sau hai chuyến tự khám phá, Nhi rút ra bài học cần cẩn thận hơn, không nên đi tùy hứng. Với các du học sinh vừa sang, chưa quen đường sá, phong tục, Nhi khuyên trước khi đi đâu cần học nhìn bản đồ, ứng dụng chỉ đường và nắm được lịch trình xe buýt. Nhi cũng học một số câu cơ bản như hỏi đường, nhờ giúp đỡ bằng tiếng địa phương để trong trường hợp cần thiết không bị bối rối.
Theo Nhi, nhờ sự cố mà em "nhớ dai" hơn nguyên tắc đi buýt ở Israel. Em cũng bạo dạn, dám tự mình đi những chuyến dài, xa, đến những chỗ lạ hơn.
"Trong đời có nhiều trải nghiệm giống như chuyện đi lạc. Nhưng nếu nhìn bằng một ánh mắt vui vẻ, tích cực hơn cho những sai lầm của mình thì nó lại thành một câu chuyện vui, một bài học đáng nhớ", Nhi nói.
Bình Minh