Với một số người chạy bộ, hoàn thành một full marathon (FM) dài 42,195 km đã đủ thách thức. Để thức dậy vào hôm sau và tiếp tục chạy marathon, lặp lại liên tục trong ba tháng rưỡi không chỉ đòi hỏi sức bền, quyết tâm, mà còn cả "sự điên rồ". Và đó là những gì Jacky Hunt-Broersma - runner khuyết tật ở bang Arizona, Mỹ - nghĩ trước khi đến với môn chạy bộ sáu năm trước.
"Tôi chưa từng chạy bộ lúc mình còn lành lặn", Hunt-Broersma nói trên CNN Sport. "Tôi nghĩ các runner thật điên rồ... nhưng từng chút một, tôi 'nghiện' chạy bộ lúc nào không hay".
Đến năm 2022, Hunt-Broersma, ở tuổi 46, đã hoàn thành kỳ tích tự thiết lập là chạy 104 FM trong 104 ngày liên tiếp giữa tháng 1 và tháng 4.
Với mục tiêu ban đầu chạy 100 FM trong 100 ngày, Hunt-Broersma bắt đầu thử thách với nhiều ẩn số. "Liệu chân tôi có thể chịu được chừng đó cây số? Liệu chân giả có trụ được không?", cô tự hỏi. Nhưng mỗi tuần trôi qua, Hunt-Broersma lại càng thêm bất ngờ về bản thân.
"Tôi không biết cơ thể mình sẽ phản ứng thế nào. Và tôi đã nhận ra cơ thể chúng ta mạnh mẽ nhường nào", Hunt-Broersma nói. "Mỗi ngày, tôi chỉ tiếp tục hành trình và mạnh mẽ hơn, cơ thể chúng ta thật phi thường".
Thử thách của Hunt-Broersma, như cô tự nhận, là cuộc đấu giữa "90% tinh thần với thể chất". Tìm ra động lực để ra khỏi nhà mỗi ngày, chạy FM luôn là vấn đề lớn nhất. "Bạn không bao giờ biết ngày mới sẽ mang lại điều gì", Hunt-Broersma nói thêm. "Kiểu như... có chút thuận theo dòng chảy. Có ngày bạn buộc phải hoàn thành – khó chịu nhưng phải chấp nhận, đưa chân này lên trước chân kia rồi tiếp tục hành trình, có ngày bạn thấy tuyệt vời và buổi chạy nhẹ như bay".
Các cữ chạy marathon của Hunt-Broersma hầu hết diễn ra quanh nhà ở Gilbert, bang Arizona, một số trên máy chạy bộ. Riêng lần thứ 92 là tại giải Boston Marathon 2022 ngày 18/4, khi cô hoàn thành với thành tích 5 giờ 5 phút 13 giây.
Thi đấu trên đường phố Boston là một trong những "nốt thăng" của thử thách. Nhưng "nốt trầm" cũng rất nhiều, như FM thứ 50, khi ý nghĩ từ bỏ chợt lóe lên trong đầu Hunt-Broersma.
"Đó là khoảnh khắc kỳ quặc, bởi về thể chất, tôi vẫn ổn", cô nói. "Tôi nhận thấy cơ thể bị đau và nhiều điều khác, nhưng không có gì quá bất thường. Đó chỉ là suy nghĩ trong đầu tôi. Tôi phải chiến đấu, vượt qua những cảm xúc đó và tự nhủ: 'Bạn biết không, không, bạn vẫn có thể làm được. Bạn có thể tiếp tục'. Và khi vượt qua suy nghĩ đó rồi, tôi lại hướng đến mục tiêu, kiểu như phải đạt được mốc 100".
Trước đó 15 ngày, Hunt-Broersma đối mặt một trở ngại khác. Cô định chia cữ chạy hàng ngày thành hai lần bán marathon (HM) dài 21,0975 km, để có thời gian chăm con. Tuy nhiên, sau khi một số người thắc mắc chia đôi FM như vậy liệu có đúng với "quy tắc", Hunt-Broersma cảm thấy cô không còn lựa chọn nào ngoài việc chạy FM vào tối cùng ngày, hoàn thành lúc gần nửa đêm, chỉ năm phút trước lúc sang ngày mới.
Sau khi hoàn thành lần chạy FM thứ 104, Hunt-Broersma bắt đầu quy trình xin Sách Kỷ lục Guinness công nhận chính thức. Kỷ lục hiện tại là 95 lần chạy FM trong 95 ngày liên tiếp do Alyssa Clark, người Mỹ, lập năm 2020. Quy trình này sẽ kéo dài nhiều tháng, Hunt-Broersma cần nộp các bằng chứng như tệp tin GPX ghi lại mỗi lần chạy, ảnh chụp điểm xuất phát, giữa chặng và đích, video bằng chứng và nhân chứng.
"Quy trình đó có vẻ còn khó hơn cả phần chạy", Hunt-Broersma nói đùa.
Hunt-Broersma sinh ra và lớn lên tại Nam Phi. Cô sau đó chuyển đến Anh và Hà Lan, rồi sang Mỹ định cư.
Cô phải cắt bỏ một chân sau khi được chẩn đoán nhiễm Ewing sarcoma – một bệnh ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến xương hoặc các mô quanh xương – năm 2001. Nhờ chạy bộ từ 2016, Hunt-Broersma bắt đầu hiểu được cơ thể cô có thể làm gì.
"Khi trở thành người khuyết tật, bạn sẽ cảm thấy bị hạn chế rất nhiều. Ai cũng nói rằng ‘bạn không thể làm cái này, không thể làm cái kia’", Hunt-Broersma kể lại. "Và khi tôi đeo chân giả chạy bộ, đó chính là cảm giác tự do. Tôi cảm thấy như đang bay và tôi đang làm điều mà tôi từng nghĩ mình không thể".
Hunt-Broersma khởi đầu với cự ly 5 km và sớm vượt qua các mốc 10 km, HM rồi FM, và giờ hướng đến siêu marathon.
Hunt-Broersma đang tập luyện để thi đấu tại Leadville 100 – giải chạy 100 dặm (hơn 160 km) tổ chức tại Leadville, bang Colorado – vào tháng 8 và giải Moab 240 – giải chạy 240 dặm (hơn 386 km) qua các sa mạc, đá và núi ở bang Utah – vào tháng 10.
Đây là cột mốc cách rất xa so với những ngày Hunt-Broersma bắt đầu chạy bộ. "Có một điều khiến tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân", Hunt-Broersma nói. "Tôi không muốn là người khuyết tật. Tôi không muốn mọi người coi tôi khác biệt. Dù vậy, chạy bộ mang lại cho tôi tự tin – tôi có thể là chính mình. Tôi biết mình có thể chạy 100 dặm, làm được nhiều chuyện trên một chân giả, do đó, tôi khá tự hào về bản thân mình lúc này".
Nằm trong thử thách chạy 104 FM, Hunt-Broersma còn huy động được gần 200.000 USD cho Amputee Blade Runners – tổ chức từ thiện chuyên cung cấp chân giả cho chạy bộ cho người khuyết tật. Con số trên vượt xa kỳ vọng ban đầu 10.000 USD, như cách Hunt-Broersma vượt qua mục tiêu của chính cô và chạy 104 FM trong 104 ngày liên tiếp.
"Chạy bộ giúp tôi hiểu ra mình có thể làm được nhiều điều hơn thế", Hunt-Broersma nói. "Tôi nghĩ đó là một cách tuyệt vời để cho mọi người thấy bạn có thể làm gì khi rời khỏi vùng an toàn của bản thân".
Như Tâm