Năm 2021, cú sốc mắc đa u tủy - một dạng bệnh ung thư máu - ập đến với bác sĩ Phương, khi cô đã là một người vợ, mẹ của ba đứa con nhỏ. Ban đầu, chị bị đau cột sống ngực và suy giảm sức đề kháng, dẫn đến người mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh. Uống thuốc không khỏi, chị quyết định đi khám. "Lúc cầm chẩn đoán trên tay, bầu trời với tôi khi đó như không còn ánh sáng", chị Phương chia sẻ về nỗi sợ hãi và tuyệt vọng khi ấy.
Những đợt hóa trị, ghép tủy khiến sức khỏe chị suy giảm nghiêm trọng. Suốt nhiều tháng trời, bác sĩ Phương sống trong dằn vặt, lo sợ, chỉ biết giấu kín nỗi đau trong lòng. Rồi chị nhận ra, nếu cứ buông xuôi, chị sẽ chẳng thể làm gì để cứu lấy bản thân, để tiếp tục đồng hành cùng chồng con. Từ đó, chị Phương bắt đầu thay đổi, từng chút một, bằng cách "chậm lại, nhìn sâu một chút, dám đối diện với bản thân". Và chị đã chọn chạy bộ.
"500m đầu tiên ở công viên Văn Lang với tôi là một cực hình", chị Phương nhớ lại. Vượt qua những cơn đau, sự mệt mỏi, khó thở ban đầu, chị kiên trì tập luyện mỗi ngày. Dần dần, chị chinh phục quãng đường 1km, 2km rồi 5km. Niềm vui vỡ òa khi hoàn thành cự ly 5km với nhịp thở đều đặn đã tiếp thêm động lực để chị tiếp tục.
Gần một năm kiên trì tập luyện, chạy bộ không chỉ giúp bác sĩ Phương cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng mà còn mang đến cho chị nguồn năng lượng tích cực để chiến đấu với bệnh tật. Chị hoàn thành ba giải full marathon với thành tích đáng ngưỡng mộ: 5 giờ 10 phút tại giải HCMC Marathon, 4 giờ 58 phút tại giải Tiền Phong Marathon và 5 giờ 03 phút tại giải VnExpress Huế Marathon.
Không những vậy, bác sĩ Phương còn thường xuyên chia sẻ câu chuyện cá nhân trên Facebook, cùng những kiến thức chuyên môn từ góc nhìn của một người làm y khoa đến cộng đồng chạy bộ. Khi tham gia mỗi giải chạy, chị cố gắng xuất hiện với hình ảnh tự tin, xinh đẹp nhất để truyền cảm hứng chạy bộ đến các bệnh nhân.
"Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, chạy bộ là môn thể thao dễ tiếp cận và rất tốt cho người bệnh ung thư. Nó giúp cải thiện sức bền, tăng đề kháng. Hãy bắt đầu từ việc đi bộ chậm, rồi tăng dần cường độ. Bạn có thể mệt mỏi lúc đầu, nhưng đừng sợ, hãy vượt qua bằng ý chí của mình", chị Phương nhắn nhủ.
Hiện, bác sĩ Phương sinh hoạt cùng các CLB chạy P2P Community, Sadora Run và Superman Night Run, và đang công tác tại hệ thống tiêm chủng VNVC. Từng làm bác sĩ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, runner sinh năm 1984 am hiểu những chấn thương khi vận động, nên thường chia sẻ cách phòng tránh và ứng phó với bạn chạy.
Theo anh Phạm Trung, đồng run với chị Phương trong CLB Sadora Run, mọi người trong CLB đều khâm phục nghị lực của nữ bác sĩ này, xem việc cô vẫn vui vẻ nói cười và tập luyện như không bị bệnh là tấm gương truyền cảm hứng. "Cũng có những lần đổi thuốc, cô ấy bị phù nề do phản ứng phụ. Nhưng Phương không nghỉ chạy. Ban đầu, thấy cô ấy tập căng vậy, chúng tôi cũng lo. Nhưng dường như chạy bộ đã trở thành một đam mê, giúp Phương vượt qua giai đoạn khó khăn và sống tốt ở hiện tại", anh Phạm cho hay.
Mỗi ngày, chị Phương dậy từ 4h sáng để tập chạy tới 6h rồi về đi làm. Nếu không chạy được buổi sáng, chị cố gắng chạy sau 8h tối. Bên cạnh công việc và chạy bộ, chị Phương cũng phải cáng đáng công việc của một người mẹ. Chị cho biết vào năm học tới, khi hai con sinh đôi 6 tuổi bước vào lớp một, thời gian của chị sẽ eo hẹp hơn nên hy vọng có thể thu xếp để tiếp tục tập chạy.
"Tôi chạy không vì thành tích, không đặt mục tiêu sub này hay sub kia. Chạy bộ giúp tôi vui vẻ, yêu đời và có niềm tin vào việc bản thân có thể chiến thắng tất cả sau một thời gian đen tối. Tôi muốn lan tỏa thông điệp này đến mọi người", chị Phương chia sẻ, đồng thời cho biết bản thân đang tập luyện cho giải tiếp theo - VnExpress Marathon Nha Trang.
Quỳnh Chi