Đám tang Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú diễn ra ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Anh qua đời hôm 20/12, hưởng dương 56 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 9h30 nhưng trước đó nửa tiếng, hàng trăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp diễn viên có mặt để đưa tiễn anh.
* Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt NSND Anh Tú
Lê Khanh đứng lặng một góc. Nghệ sĩ kể những ngày qua, chị như người mất hồn. "Dù theo dõi sát sao bệnh tình của Tú và có sự chuẩn bị trước, đến hôm nay, tôi vẫn không tin bạn đã ra đi. Nỗi đau này quá lớn", Lê Khanh nói. Chị nhận xét cố nghệ sĩ có tài năng bẩm sinh và tinh thần nhiệt huyết cao trong công việc. "Anh Tú từng đóng một vai rất đẹp, đó là người thợ Vũ Như Tô. Vũ Như Tô ra đi khi còn nhiều ước mơ dang dở. Anh Tú cũng vậy. Chúng tôi vô cùng tiếc thương khi tiễn biệt một đạo diễn đầy tài năng, đem đến cho sân khấu niềm hy vọng", chị nói.
Lê Khanh, Anh Tú trưởng thành từ lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ. Hai người là "cặp bài trùng" trên sân khấu và ngoài cuộc sống. Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân tiết lộ 5 năm trước, khi Anh Tú thuyên chuyển công tác sang Nhà hát Kịch Việt Nam, Lê Khanh "khóc như mưa" vì không còn được gần gũi bạn.
NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội) liên tục lau nước mắt. Khi đồng nghiệp đi xa, chị nhớ nhiều về những vai diễn làm nên tên tuổi anh. "Tú từng bị bố mẹ ngăn cản khi đến với nghiệp diễn. Từ thời sinh viên, Tú đã nghĩ ra nhiều tiểu phẩm chỉn chu, có chiều sâu. Vũ Như Tô và Macbeth là hai vai diễn định hình tài năng, phong cách của Tú. Khi diễn cùng anh vở Macbeth, tôi đóng vai người vợ đã chết. Dù lúc đó buộc phải bất động, tôi không kìm được nước mắt trước diễn xuất xuất thần của bạn", NSND Lan Hương kể.
Diễn viên Hương Tươi nức nở khi nhắc đến người anh quá cố. Cô là diễn viên thuộc Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ - nơi Anh Tú từng làm trưởng đoàn. Trong mắt Hương Tươi, cố nghệ sĩ gần gũi, quan tâm, chăm lo đến đời sống các diễn viên dưới quyền anh.
Nhiều nghệ sĩ trẻ như Thu Quỳnh, Thanh Hương cũng chia sẻ cảm xúc mất mát khi viếng tang người thầy, đàn anh đáng kính. Họ viết trong sổ tang sẽ duy trì tình yêu, đam mê với sân khấu, hiện thực hóa những ước mơ dang dở của cố nghệ sĩ.
Nhiều học trò của Anh Tú đến tiễn đưa thầy. Đại diện lớp diễn viên K32, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, viết trong sổ tang: "Thầy ơi, chúng con yêu thầy. Thầy sẽ mãi ở trong tim chúng con". "Con hối hận vô cùng vì chưa bao giờ trực tiếp nói với thầy: 'Con yêu thầy'", một học sinh khác của anh nghẹn ngào viết.
Cố nghệ sĩ từng đào tạo nhiều lứa diễn viên, đạo diễn tài năng ở trường Sân khấu Điện ảnh và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Trên giảng đường, anh nổi tiếng là người nghiêm khắc. Đạo diễn Trọng Thanh, diễn viên Minh Thu - hai người từng theo học lớp đạo diễn ở Đại học Sân khấu Điện ảnh - kể anh khó tính, cầu toàn, thường xuyên mắng sinh viên. Thế nhưng ở ngoài đời, Anh Tú yêu thương học trò vô cùng. Đặng Minh Cúc - diễn viên khóa đầu tiên Anh Tú giảng dạy ở Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội - kể nghệ sĩ thường mua quà vặt cho sinh viên. Anh tuyệt đối không bao giờ nhận quà cáp từ học trò.
Gia đình NSND Anh Tú lặng lẽ đưa tiễn anh. Đồng nghiệp của anh ở Nhà hát Kịch Việt Nam kể chị Mai - vợ anh - vốn là người lạc quan. Từ lúc anh ngã bệnh, nhà neo người, chị một tay vun vén, chăm lo chồng. Kể cả khi sức khoẻ anh diễn biến xấu, chị vẫn tin chồng sẽ sớm hồi phục. Trong lễ tang, chị chỉ lặng lẽ khóc, cảm ơn người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Khi linh cữu anh được đưa lên xe tang, chị hốt hoảng, khóc to hơn. Tùng - con trai duy nhất của anh mới 15 tuổi. Cậu đứng lặng trong suốt lễ tang, thỉnh thoảng quay sang động viên, an ủi mẹ. Anh Tú từng tâm sự anh kết hôn, có con muộn nên chỉ sinh một cháu.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đọc điếu văn, điểm lại những thành tựu trong nghề của NSND Anh Tú. Hàng trăm người đứng lặng, rớm nước mắt. Em trai nghệ sĩ thay mặt gia đình cảm ơn những người tới viếng, trước khi đưa linh cữu Anh Tú về đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển. Tro cốt nghệ sĩ sẽ được an táng vào 15h chiều 3/1/2019 tại Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình.
NSND Anh Tú là gương mặt gạo cội ở vai trò diễn viên lẫn đạo diễn. Dấu ấn sâu đậm của nghệ sĩ là ở lĩnh vực sân khấu, qua hàng loạt vai như: Trần Cảnh trong Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, Macbeth trong vở kịch cùng tên của đại thi hào Shakespeare, Tể tướng trong Âm mưu và tình yêu của Schiller, Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và hàng trăm vai diễn...
Tốt nghiệp Khoa Đạo diễn - Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 2004, hơn 10 năm qua, Anh Tú dồn tâm huyết vào sân khấu. Anh từng đạo diễn một số vở kịch Lâu đài trên cát, Cạm bẫy, Chuyện chàng dũng sĩ, Truyện Kiều, Romeo và Juliet... Ngoài ra, anh là người thầy mẫu mực, đào tạo nhiều lứa diễn viên trẻ.
Hà Thu