NSND Anh Tú qua đời ở tuổi 56 vào trưa 20/12 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội). Khi hay tin anh mất, nghệ sĩ Đỗ Kỷ, Trung Anh, NSƯT Kim Oanh... cùng đông đảo đồng nghiệp, khán giả đều bàng hoàng. NSƯT Minh Hằng bày tỏ trên trang cá nhân: "Có một ngôi sao không còn sáng nữa. Chào bạn nhé, ngọn hải đăng của chúng tôi". Nhiều thế hệ diễn viên chia sẻ cảm giác thương tiếc với "anh cả" của sân khấu kịch phía Bắc.
Sinh thời, Anh Tú được đồng nghiệp, bạn bè quý trọng vì là người tài, đức, tận tụy với nghề. Gắn bó với Anh Tú hơn 20 năm ở Nhà hát Tuổi trẻ, ông Trương Nhuận - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - nhận xét anh có nhiều vai diễn để đời, là một trong những nam diễn viên có đài từ đẹp bậc nhất miền Bắc. "Tiếng anh trầm, vang, sáng. Khi anh cất giọng thoại, người từ cuối rạp cũng có thể nghe rõ", ông kể.
Thập niên 2000, Anh Tú tỏa sáng với vai chính trong vở bi kịch Macbeth của William Shakespeare. "Từng ánh mắt, điệu bộ, giọng nói của anh đều xuất thần, thể hiện trọn vẹn hình ảnh vị vua xứ Scotland. Vai diễn khiến người xem xúc động", ông Trương Nhuận nhớ lại. Một vai diễn thành công khác làm nên tên tuổi NSND Anh Tú là nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng. Đóng vai người xây Cửu Trùng Đài tài hoa, bị chết oan vì phụng sự hôn quân, ông khiến nhiều người xem rơi lệ. "Khi xem vở kịch, con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xúc động khôn nguôi, không kìm được nước mắt", ông Trương Nhuận hồi tưởng.
Năm 2005, anh chọn dựng kịch thơ Kiều Loan của nhà thơ Hoàng Cầm để làm tác phẩm tốt nghiệp khóa học đạo diễn. "Anh Tú lúc đó tự đặt mình vào thế khó khi chọn dựng tác phẩm có cấu trúc phức tạp, ra đời từ đầu năm 1945, bị cấm diễn trong nhiều năm. Điều đó cho thấy tình yêu to lớn của anh dành cho sân khấu. Khi xem vở diễn, nhà thơ Hoàng Cầm bật khóc, quyết định tặng lại 15 triệu đồng nhuận bút cho nhà hát", ông Trương Nhuận nhắc lại kỷ niệm về cố nghệ sĩ.
NSƯT Đức Trung kể Anh Tú hay gọi ông là bố. Hai người từng đóng chung nhiều tác phẩm trên sấu Nhà hát Tuổi trẻ như Kẻ sát nhân lương thiện, Lời thề thứ 9. Trong Lời thề thứ 9, Đức Trung đóng vai chủ tịch Hà. Anh Tú hóa thân là chiến sĩ Hiến - con trai của ông. Hai người đóng vai bố con một cách tự nhiên nhờ tình cảm chân thành ngoài cuộc sống. "Trong lứa diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ xưa, Anh Tú nổi lên nhờ tinh thần làm việc nghiêm túc, xả thân hết mình. Cậu ấy lập gia đình khá muộn do mải mê cống hiến cho công việc. Không chỉ chăm chỉ, Anh Tú còn là người sáng tạo trong công việc, có đức có tài", Đức Trung nhận xét.
Trong 5 năm làm Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam, Anh Tú tiếp tục dựng hàng loạt vở kịch chất lượng như Thế sự, Tai biến, Kiều, Bão tố Trường Sơn... Anh tạo cơ hội cho nhiều diễn viên trẻ như Tùng Linh, Quỳnh Hoa, Dũng Nam. "Anh Tú tiên phong trong xu hướng phục dựng các tác phẩm kinh điển có chất lượng cao", ông Trương Nhuận nhận xét.
Diễn viên Trung Anh kể anh khâm phục tinh thần xả thân hết mình vì công việc của Anh Tú. "Chúng tôi làm chung với nhau các vở kịch kinh điển như Hamlet, Romeo và Juliet. Trong công việc, Anh Tú nghiêm túc, cầu toàn, chỉn chu. Anh không bao giờ để tác phẩm sai sót khi giới thiệu với công chúng. Còn nghệ sĩ Quốc Thảo nhận xét: "Anh không bao giờ thỏa hiệp với sự cẩu thả, xuề xòa mà luôn muốn đem lại những tác phẩm chỉn chu".
Ngoài công việc, cố nghệ sĩ được nhớ đến như một người có tính cách tốt bụng, ngay thẳng. "Anh không chia sẻ nhiều về chuyện riêng tư nhiều chỉ tập trung làm việc. Khi có biến cố, anh thường âm thầm chịu đựng", Đỗ Thanh Hải kể.
Say mê làm nghề, Anh Tú buông lơi sức khỏe. Đồng nghiệp của anh ở Nhà hát Kịch Việt Nam kể từ khi nhậm chức quyền giám đốc, công việc của anh bộn bề hơn gấp mấy lần. Anh đến cơ quan từ sáng sớm, ở lại đến tối khuya mới chịu ra về. Sau chuyến công tác ở miền Nam hồi tháng 4, sức khỏe anh đi xuống rõ rệt. Tuy nhiên, nghệ sĩ không đi khám, chỉ uống thuốc ở nhà. "Đến khi không bước đi nổi, anh mới chịu vào viện", đồng nghiệp của anh rưng rưng nhớ lại. Khi vào thăm Anh Tú một tháng trước, ông Nguyễn Thế Vinh - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - trách anh không quan tâm đến sức khỏe, nhập viện muộn. "Khi mới nằm viện, còn tỉnh táo, Tú vẫn đau đáu với công chuyện của nhà hát. Tôi phải nói: 'Nhiệm vụ của em bây giờ là chuyên tâm chữa bệnh. Những chuyện khác, em gạt hết đi cho anh"', ông Vinh cho biết.
Khi Anh Tú mới đổ bệnh, Minh Hằng luôn lo lắng cho sức khỏe của anh. Trong mắt chị, Anh Tú là người tốt bụng, chẳng bao giờ muốn phiền hà đến ai. "Khi nhìn thấy bạn nằm trong phòng, gầy móp, đang truyền máu, mắt nhắm, bạn yếu và sốt... Tôi suýt khóc, may kìm được", chị xúc động kể về lần vào thăm cố nghệ sĩ.
Từ TP HCM, nghệ sĩ Quốc Thảo sững sờ khi hay tin đồng nghiệp một thuở ra đi. Anh kể 30 năm trước, anh khá thân thiết với nhiều nghệ sĩ kịch phía Bắc. Cách đây vài năm, anh cùng êkíp Dạ cổ hoài lang ra mắt tại Hà Nội và diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ, Anh Tú là một trong những đồng nghiệp nhiệt tình, sốt sắng nhất. Anh lo từng bữa ăn cho các nghệ sĩ trong Nam. "Khi chúng tôi diễn xong, anh Anh Tú, chị Lê Khanh, anh Chí Trung dẫn đồng nghiệp Sài Gòn lê la khắp các quán xá Hà Nội. Anh ấy lo lắng cho chúng tôi như người thân ruột thịt", Quốc Thảo kể. Sau này, Anh Tú có nhiều chuyến lưu diễn trong Nam, mối quan hệ của họ càng khăng khít hơn.
NSƯT Kim Oanh - bạn diễn của anh trong phim Chiều ngang qua phố cũ - khóc nghẹn, không nói nên lời. Còn Đức Trung tiếc nuối kể: "Từ ngày Tú sang Nhà hát Kịch Việt Nam, chúng tôi không có dịp cộng tác. Tú vẫn nói: "Khi nào, bố con mình cùng làm một vở nhé. Dự định chưa thành, Tú đã ra đi. Tôi buồn bã vô cùng khi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
"Cũng là một kiếp người nhưng kiếp người như Tú là kiếp người cống hiến cho sân khấu đến tận cùng sức lực và trí lực. Tú tỏa sáng nhất vào thời khắc phải ra đi. Nhưng dấu ấn trong nghề Tú để lại không ai thay thế được, cũng không ai có thể phủ nhận được", nhà văn Quang Vinh bày tỏ.
Hà Thu - Mai Nhật